Tin hot

Nam Định có về đích năm 2024 với 1 tỷ USD xuất siêu?


10 tháng, xuất siêu của Nam Định đạt 913 triệu USD, liệu địa phương có về đích năm 2024 với 1 tỷ USD?

Theo số liệu từ Cục Thống kê Nam Định, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2024 của tỉnh ước đạt 427 triệu USD, tăng 32,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu hàng hóa tăng 26,9%. Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 3.785 triệu USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ tháng 9/2024 đạt 221 triệu USD; tháng 10/2024 ước đạt 263 triệu USD, tăng 19,1% so với tháng trước và tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2023.

2 lô máy tính xách tay đầu tiên của Tập đoàn Quanta Computer Inc., được sản xuất tại Nam Định được xuất khẩu (Ảnh: T.T).
2 lô máy tính xách tay đầu tiên của Tập đoàn Quanta Computer Inc. sản xuất tại Nam Định được xuất khẩu (Ảnh: T.T).

Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2.349 triệu USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2023. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng may mặc, da giày và lâm sản chiếm 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ tháng 9/2024 đạt 152 triệu USD; tháng 10/2024 ước đạt 164 triệu USD, tăng 8,2% so với tháng trước và tăng 40,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 1.436 triệu USD, tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên phụ liệu may; da và các mặt hàng liên quan; bông, xơ, sợi dệt chiếm 83,2% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Cũng theo số liệu thống kê, con số xuất siêu của Nam Định tăng theo từng tháng, tháng 9/2024 đạt 69 triệu USD, tháng 10/2024 ước đạt 99 triệu USD. Tính chung 10 tháng, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 913 triệu USD.

Con số xuất siêu tăng từng tháng của Nam Định bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, còn nhờ sự hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền trong công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại.

Gần đây nhất, trong chuyến công tác tại Cộng hòa Séc và các nước châu Âu nhằm xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, đoàn công tác của tỉnh Nam Định đã làm việc với Tamda Group.

Tamda Group là một trong những tập đoàn lớn của người Việt được hình thành từ năm 2011 tại Cộng hòa Séc, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực phân phối cung ứng hàng thực phẩm, hàng gia dụng và kinh doanh bất động sản. Tamda Group hiện sở hữu hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối hàng hóa rộng khắp các thị trường lớn của Cộng hòa Séc, cung cấp đa dạng sản phẩm tiêu dùng, đặc biệt là các sản phẩm từ Việt Nam. Đây là cầu nối quan trọng trong việc đưa hàng hóa Việt tiếp cận thị trường châu Âu và hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc.

Buổi làm việc giữa Đoàn công tác của tỉnh Nam Định và Tamda Group mở ra nhiều triển vọng hợp tác, đặc biệt trong việc thúc đẩy giao thương và đưa sản phẩm nông nghiệp của Nam Định đến thị trường quốc tế.

Làm việc với lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo tỉnh Nam Định bày tỏ kỳ vọng vào sự hợp tác lâu dài giữa Nam Định và Tamda Group, tạo cơ hội phát triển cho cả hai bên, đồng thời quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam nói chung và Nam Định nói riêng tại thị trường châu Âu.

Cùng với phát triển công nghiệp, mở rộng xuất khẩu, tăng kim ngạch xuất siêu là mục tiêu lớn, tỉnh Nam Định đã và đang nỗ lực thực hiện. Tại Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Nam Định đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 ttốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 9,5%/năm; kim ngạnh xuất khẩu năm 2030 đạt trên 7 tỷ USD.

Để đạt mục tiêu này, Nam Định cũng đặt ra những phương hướng phát triển cho các ngành, lĩnh vực quan trọng.

Trong đó, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, an toàn, có giá trị cao, hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao. Gắn kết phát triển nông nghiệp với công nghiệp, du lịch, thương mại nhằm tạo lập sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành về thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh. Hình thành các vùng (khu) sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngành công nghiệp, tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp truyền thống (dệt may, da giày; cơ khí, điện tử; hoá dược, dược phẩm,…) theo hướng tập trung vào các sản phẩm có đặc thù riêng, sản phẩm cao cấp, tham gia vào chuỗi giá trị. Khuyến khích thu hút đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp mới, có tiềm năng (như công nghiệp luyện thép và sản phẩm sau thép; năng lượng tái tạo; chế biến khí,...) công nghệ tiên tiến, tự động hóa cao, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường… nhằm tạo đầu ra chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao.

 
Tác giả: Hải Linh
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi