Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công Thương Cao Minh Tú cho biết, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp trên cả nước nói chung, trong tỉnh nói riêng đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình hình lạm phát diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy do căng thẳng địa chính trị,…
Ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Thu Huyền |
Hội nghị nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, giảm thiểu tác động tiêu cực từ những biến động của thị trường thế giới. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp kỹ năng khai thác thị trường xuất khẩu cũng như cách thức tiếp cận khách hàng tiềm năng thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại.
Theo Sở Công Thương, 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tỉnh Nghệ An ước đạt 1,950 tỷ USD, tăng 12,62% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 1,684 tỷ USD, tăng 13,02% so với cùng kỳ, đạt 84,19% chỉ tiêu kế hoạch năm.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu - Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ kỹ năng khai thác thông tin và tìm kiếm thị trường xuất khẩu hàng hóa. Ảnh: Thu Huyền |
Mặc dù kim ngạch có sự tăng trưởng, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng còn hạn chế. Nhiều mặt hàng chiến lược mang tính truyền thống của tỉnh như vật liệu xây dựng, thủy sản, hoa quả chế biến và nước hoa quả, xơ sợi dệt các loại,... có sự sụt giảm về số lượng cũng như kim ngạch so với cùng kỳ. Xuất khẩu vật liệu xây dựng 9 tháng đạt 416,2 triệu USD, giảm 18,6%. Tương tự, xuất khẩu thủy sản giảm 49,1%; hoa quả chế biến và nước hoa quả giảm 20,8%; xơ sợi dệt giảm 12,5%.
Nguyên nhân là do nhu cầu thị trường nói chung biến động giảm so với mức tăng đột biến của năm trước; chi phí vận tải quốc tế, logistics, giá xăng dầu trên thế giới tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt cước phí vận tải biển tăng đột biến làm giá thành sản phẩm lên cao; chiến sự Nga - Ucraine và lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thu Huyền |
Bên cạnh đó, chính sách kiểm soát dịch của Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp như: Việc vận chuyển một số mặt hàng nông sản đi qua cửa khẩu đường bộ phía Bắc (cửa khẩu Chima, Tân Thanh - Lạng Sơn; cửa khẩu Thanh Thủy - Hà Giang) bị ùn tắc. Nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc thiếu ổn định.
Hội nghị đã được bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương - chuyên gia tư vấn và đồng hành cùng doanh nghiệp trong các sự kiện xúc tiến thương mại, trao đổi, chia sẻ một số nội dung để doanh nghiệp cập nhật thông tin, nâng cao cơ hội và kỹ năng tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Vận chuyển sản phẩm cá hộp xuất khẩu tại Nhà máy Royal Foods, KCN Nam Cấm. Ảnh: Thu Huyền |
Hội nghị cũng được lắng nghe nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp và chia sẻ thẳng thắn của doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua để cùng tìm ra giải pháp và đồng hành hiệu quả hơn trong thời gian tới./.