Theo ông Nguyễn Tương, Cố vấn cấp cao Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), có 6 giải pháp nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cấp cơ sở hạ tầng kho vận, giảm chi phí logistics và thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn.
Kho bãi chứa container tại Cảng Cát Lái, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh |
Theo đó, đầu tiên là cần nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường. Phát triển các dịch vụ logistics trọn gói, đồng bộ, phấn đấu giảm chi phí logistics để tăng lợi thế cạnh tranh của hàng hóa. Tiếp theo là phải ưu tiên đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng đồng bộ, tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng logistics gắn với thương mại điện tử theo xu hướng phát triển trên thế giới và khu vực, song song với việc phát triển logistics hàng không.
Bên cạnh đó, nên hỗ trợ xây dựng những tập đoàn mạnh về logistics, đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu dịch vụ logistics, tạo định hướng và động lực phát triển thị trường. Đồng thời, phát triển các dịch vụ logistics lạnh, kho lạnh, container lạnh để phục vụ hàng nông sản, đặc biệt là hàng nông sản chất lượng cao. Phát triển thị trường dịch vụ logistics, tập trung vào các thị trường xuất khẩu trọng điểm. tăng cường kết nối các doanh nghiệp trong ngành hợp tác chia sẻ các lợi thế. Cuối cùng là cần thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực logistics và tiếp tục mở rộng kết nối hạ tầng logistics với các nước trong khu vực và vươn ra thế giới.
Ngoài ra, không thể thiếu việc phát triển logistics xanh, logistics ngược nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng về phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Đối với ngành dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) và đặc biệt là các hội viên cần tìm hiểu, nắm vững các định hướng của Chiến lược hàng hóa xuất nhập khẩu đến năm 2030 để đề ra chiến lược hoạt động kinh doanh, đặc biệt là phát triển thị trường cung cấp dịch vụ logistics của mình trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta với việc tạo thuận lợi của 14 Hiệp định FTA đang thực hiện, trong đó có các Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và chiến lược “Đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số” của hiệp hội.
Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 19/4/2022 đã đề ra mục tiêu: "Xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”.
Theo đó, về xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030. Tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 88% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 90% vào năm 2030. Tăng tỷ trọng thị trường xuất khẩu vào châu Âu, châu Mỹ.
Về nhập khẩu hàng hóa chủ động điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng nhập khẩu, kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Kiểm soát việc nhập khẩu các loại hàng hóa trong nước sản xuất được, hàng xa xỉ, hàng hóa không thiết yếu. Tăng tỷ trọng nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ cao phục vụ sản xuất, xuất khẩu.
Về định hướng phát triển thị trường, đa dạng hóa thị trường, tận dụng hiệu quả cơ hội từ hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh khai thác các thị trường còn tiềm năng, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu thị trường nhập khẩu.
Theo TTXVN