Thông tin Bộ Công Thương công bố sáng nay 5/9 cho thấy, 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 21,9%).
Ở góc độ ngành hàng, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 8 tháng tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 215,39 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 85,88% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.
Chỉ tính riêng trong tháng 8/2022, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này tăng 9,5% so với tháng trước do sự tăng nhanh về kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chiến lược như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 11,6%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 30,6%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 49,3%; giày dép các loại tăng 5,6%.
“Tuy nhiên, trong tháng 8/2022 cũng ghi nhận sự sụt giảm so với tháng trước về kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực trong nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo như: phân bón các loại giảm 22,4%; sắt thép các loại giảm 28,3%”, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Về nhập khẩu hàng hóa, đại diện Bộ Công Thương thông tin thêm: tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 246,84 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 94%; nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6%.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam 8 tháng qua với kim ngạch ước đạt 81,8 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Công Thương dự báo, trong những tháng cuối năm, trên thị trường thế giới một số yếu tố chủ yếu có thể tác động bất lợi đến kinh tế và thương mại nước ta.
Cụ thể như, lạm phát cao kỷ lục ở hầu hết các quốc gia làm nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu nhập khẩu chịu ảnh hưởng, gây sụt giảm cầu hàng hoá nhập khẩu từ các nước, ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế, làm giảm sức cầu hàng hóa và ảnh hưởng đến đầu tư mới.
Bên cạnh đó, việc gián đoạn chuỗi cung ứng dự báo sẽ còn tiếp diễn, làm giảm đà phục hồi các hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại hậu Covid-19. Ngoài ra, giá hàng hóa thiết yếu, giá cước vận tải mặc dù có dấu hiệu giảm nhưng vẫn ở mức cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tạo ra những khó khăn cho kinh tế, thương mại toàn cầu nói chung, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, bối cảnh trong nước cũng tiềm ẩn những yếu tố tác động bất lợi đến tăng trưởng sản xuất và thương mại. Cụ thể như, đồng USD tăng sẽ tác động bất lợi đến nhập khẩu do hiện nay nước ta nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu sản xuất để phục vụ cho xuất khẩu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Một số ngành đang đối mặt với nguy cơ đơn hàng giảm do thủ tục hành chính còn rườm rà, cạnh tranh lao động giữa các ngành có xu hướng tăng…
Bộ Công Thương xác định những tháng cuối năm sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng… chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các Hiêp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu.
Bộ này cũng cho rằng, vấn đề tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa thông qua ứng dụng số hóa trong giải quyết thủ tục, điển hình như trong các thủ tục hoàn thuế, thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O)…
Theo Báo Hải quan