Tin hot

Xuất khẩu sang thị trường Indonesia: Làm sao vượt qua hàng rào bảo hộ?


Dù không quá khó tính nhưng thị trường Indonesia với chính sách bảo hộ cao đang cản bước tiến xuất khẩu của hàng Việt sang thị trường này.

Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, thị trường Indonesia có chính sách bảo hộ cao với hàng rào phi thuế quan không dễ vượt. Trong đó, có trên 1.500 nhóm hàng thuộc diện hạn chế nhập khẩu; chứng nhận Halal phải do cơ quan có thẩm quyền Indonesia cấp; quy định cụ thể về cảng nhập khẩu đối với một số nhóm hang.

Trong tiêu chuẩn quốc gia SNI, Chính phủ Indonesia cũng quy định 285/6.000 tiêu chuẩn bắt buộc đối với hàng nhập khẩu, như: Đồ chơi, kính xây dựng, gạch ốp lát, thiết bị điện, chiếu sáng, xe đạp, xe máy, phân bốn vô cơ, dầu cọ, sắt thép, hàng dệt phải không có thuốc nhuộm azo, formandehete. Indonesia cũng áp dụng tiêu chuẩn nội địa hóa đối với các sản phẩm thiết bị viễn thông, điện tử.

Đặc biệt, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, hiện Indonesia đang khởi xướng điều tra gia hạn biện pháp tự vệ toàn cầu trong đó có Việt Nam đối với nhóm hàng sợi nhân tạo và vải dệt may mặc.

Ngoài ra, với chính sách tự chủ về lương thực, thực phẩm, Chính phủ Indonesia đang giảm nhu cầu nhập khẩu nông, lâm, thủy sản. Hơn nữa, là quốc gia có nhiều đảo, chi phí logistics lớn dẫn tới giá hàng hóa nhập khẩu cao cũng là rào cản cho hàng Việt thâm nhập sâu hơn vào thị trường Indonesia.

Thị trường Indonesia có chính sách bảo hộ cao với hàng rào phi thuế quan khó vượt

Để ứng phó với các rào cản thương mại này, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Indonesia khuyến nghị: Doanh nghiệp cần xin giấy chứng nhận Halal Indonesia, chứng nhận tiêu chuẩn quốc gia SNI để có chủ động thâm nhập thị trường. Chủ động liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan Việt Nam trong trường hợp Indonesia khởi xướng các biện pháp phòng vệ thương mại có liên quan tới sản phẩm của doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền lợi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm đàm phán mở cửa thị trường đối với quả nhãn (nhu cầu nhập khẩu từ 80-100 triệu USD/năm) và vải (nhu cầu nhập khẩu khoảng 8-10 triệu USD/năm) của Việt Nam.

Bên cạnh đó, để tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại đúng và trúng là một trong những giải pháp tốt. Trong đó, việc tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế lớn tại Indonesia như Sial Interfood, Trade Expo Indonesia, Agrofood là cần thiết để thăm dò thị trường, tìm kiếm đối tác.

Nhập khẩu hàng hoá thông qua nhà phân phối nội địa được đánh giá là phương thức ưu việt và hiệu quả nhất do các đối tượng này có sẵn các giấy phép nhập khẩu, am hiểu thị trường, thủ tục để tiếp cận với hệ thống các cửa hàng tạp hóa truyền thống và hệ thống siêu thị.

Tham gia thị trường thương mại điện tử Indonesia cũng là cách được Thương vụ Việt Nam tại Indonesia khuyến cáo bởi giá trị giao dịch thương mại điện tử tại Indonesia tăng chóng mặt trong 2 năm qua, từ 942 triệu giao dịch năm 2020 lên 1,3 tỷ giao dịch năm 2021. Cộng đồng người Việt và doanh nghiệp Việt Nam tại Indonesia cũng là một kênh tốt giúp hàng Việt tăng số lượng xuất khẩu.

Số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho thấy, tính đến hết quý II/2022, Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia 2,30 tỷ USD giá trị hàng hoá, tăng 19,7%; nhập khẩu của Việt Nam từ Indonesia đạt 4,60 tỷ USD, tăng 27,2%.

Sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Indonesia được lý giải nhờ 2 yếu tố cơ bản. Trong đó, dịch Covid-19 tại Indonesia tiếp tục được kiểm soát và sự phục hồi của nền kinh tế dẫn tới nhu cầu nhập khẩu gia tăng; giá cả hàng hóa quốc tế tiếp tục xu hướng tăng ở nhiều nhóm hàng năng lượng và phi năng lượng.

Trong số 10 nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Indonesia (chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu) có 8/10 nhóm hàng có giá trị tăng trưởng, trong đó các nhóm có giá trị tăng trưởng cao gồm: Chất dẻo nguyên liệu tăng 53,6%, đạt 230 triệu USD; nguyên phụ liệu dệt may da giày tăng 51%, đạt giá trị 192,4 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 57,5% đạt 126,5 triệu USD…

Nông, lâm, thủy sản vẫn là nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Indonesia, đạt 60,97 triệu USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ, trong đó nhiều mặt hàng có giá trị gia tăng như gạo tăng 62,9% đạt giá trị 16,2 triệu USD; thủy sản tăng 109,7% đạt giá trị 6,80 triệu USD; cà phê tăng 18,2% đạt giá trị 31,4 triệu USD.

Cũng theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, hàng Việt có nhiều ưu thế trên thị trường Indonesia bởi đây thị trường dễ tính trong khi năng lực sản xuất của Việt Nam có thể đáp ứng các điều kiện khắt khe của những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản; khoảng cách địa lý gần giúp giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh hàng hóa; hai nước đều thuộc hiệp hội các quốc gia ASEAN được hưởng các thuế quan ưu đãi nội khối, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực.

Việt Nga

 

Nguồn:kinhtevn.com.vn Copy link
Tìm kiếm chúng tôi