Tin hot

Xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022 đối diện khó khăn nào?


Bộ Công Thương dự báo, trong những tháng cuối năm, trên thị trường thế giới một số yếu tố chủ yếu có thể tác động bất lợi đến kinh tế thương mại và xuất nhập khẩu của nước ta.

 

Theo Bộ Công Thương, những khó khăn cụ thể như, lạm phát cao kỷ lục ở hầu hết các quốc gia làm nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu nhập khẩu chịu ảnh hưởng, gây sụt giảm cầu hàng hoá nhập khẩu từ các nước, ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế, làm giảm sức cầu hàng hóa và ảnh hưởng đến đầu tư mới.

Bên cạnh đó, việc gián đoạn chuỗi cung ứng dự báo sẽ còn tiếp diễn, làm giảm đà phục hồi các hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại hậu Covid-19. Ngoài ra, giá hàng hóa thiết yếu, giá cước vận tải mặc dù có dấu hiệu giảm nhưng vẫn ở mức cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tạo ra những khó khăn cho kinh tế, thương mại toàn cầu nói chung, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Xuất nhập khẩu hàng hóa đạt trên 433 tỷ USD, cán cân thương mại nghiêng về  xuất siêu - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới
Xuất nhập khẩu hàng hóa khá sôi động những tháng đầu năm

Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, bối cảnh trong nước cũng tiềm ẩn những yếu tố tác động bất lợi đến tăng trưởng sản xuất và thương mại. Cụ thể như, đồng USD tăng sẽ tác động bất lợi đến nhập khẩu do hiện nay nước ta nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu sản xuất để phục vụ cho xuất khẩu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Một số ngành đang đối mặt với nguy cơ đơn hàng giảm do thủ tục hành chính còn rườm rà, cạnh tranh lao động giữa các ngành có xu hướng tăng…

Trước đó, báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại của Bộ Công Thương 8 tháng đầu năm chỉ rõ, trong tháng 8/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 64,34 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD.

Cụ thể, về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, trong tháng 8/2022 ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,04 tỷ USD, tăng 13,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 24,34 tỷ USD, tăng 7,6%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2022 tăng 22,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 26,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 20,6%.

Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 21,9%). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 66,14 tỷ USD, tăng 18,4%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 184,66 tỷ USD, tăng 17%, chiếm 73,6%.

Trong 8 tháng năm 2022 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ

USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Về cán cân thương mại, tính chung 8 tháng năm 2022, cán cân thương mại tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu, ước tính xuất siêu khoảng 3,96 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,52 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,44 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,4 tỷ USD.

Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp (các thủ tục hoàn thuế, thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, cấp chứng nhận CO… cần phải được đẩy nhanh thông qua việc ứng dụng số hóa trong giải quyết thủ tục hành chính).

Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng… chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu các hàng hóa cơ bản, thiết yếu như: xăng dầu, điện, than… Theo dõi sát tình hình sản xuất phân bón trên thế giới để có giải pháp ứng phó phù hợp.

Phương Lan

 

Nguồn:kinhtevn.com.vn Copy link
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi