Tin hot

Bám ruộng, lội đồng sát cánh cùng nông dân


Biến đổi khí hậu đang ngày càng phức tạp, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, sự tích lũy nguồn dịch hại qua các năm và quá trình thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng đã làm cho tình hình dịch hại trên cây trồng diễn biến phức tạp, có xu thế tăng dần, diện phân bổ và mức độ phát sinh không theo quy luật… làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây trồng. Trước thực trạng đó, ngành Nông nghiệp nói chung, lực lượng bảo vệ thực vật nói riêng và các địa phương đã phải vất vả, linh hoạt thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật… trong công tác bảo vệ mùa màng để giữ vững kết quả sản lượng lương thực hàng năm.

Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Kiến Xương kiểm tra sâu bệnh trên đồng ruộng.

Là năm đầu tiên cơ cấu tổ chức của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) được sắp xếp lại nhưng nhìn chung mọi hoạt động vẫn nền nếp, hiệu quả; đã làm tốt công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo, nắm chắc tình hình phát sinh và diễn biến của sâu bệnh trên đồng ruộng, đề xuất các biện pháp phòng, trừ hiệu quả, bảo đảm an toàn sâu bệnh. Bà Nguyễn Thu Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Thời tiết vụ xuân năm 2016 diễn biến phức tạp nên công tác chỉ đạo sản xuất gặp không ít khó khăn, làm ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Cụ thể như tháng 12/2015 và tháng 1/2016 nhiệt độ trung bình cao hơn cùng kỳ nhiều năm; tháng 2 nhiệt độ, lượng mưa, giờ nắng, độ ẩm thấp hơn trung bình nhiều năm, cường độ ánh sáng yếu, trời âm u vì thế cơ bản không thuận lợi cho việc gieo cấy lúa xuân. Vụ mùa, lúa mới cấy chịu ảnh hưởng của bão số 1 và bão số 2 khiến một phần diện tích phải gieo cấy lại, đồng thời thuận lợi cho một số đối tượng dịch hại phát triển, đặc biệt là bệnh bạc lá. Xác định rõ năm 2016, các đối tượng sâu bệnh diễn biến phức tạp, vì thế ngay từ đầu năm Chi cục đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật bám ruộng, lội đồng, phát hiện sớm, tham mưu kịp thời về thời gian phát sinh, diện phân bố và mức độ gây hại của sâu bệnh để tham mưu các biện pháp phòng, chống đạt hiệu quả cao. Công tác điều tra định kỳ được làm bài bản, ngoài ra còn tổ chức điều tra bổ sung vào các đợt cao điểm trước và sau mỗi chiến dịch. Chi cục cũng đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra các cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và thanh tra việc chấp hành sử dụng thuốc của nông dân; làm tốt việc kiểm tra hồ sơ và điều tra sâu bệnh trên giống cây trồng nhập nội như lúa, khoai tây, rau màu… Căn cứ diễn biến sâu bệnh trên đồng ruộng, khi dịch hại phát sinh nghiêm trọng, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất các chủ trương, biện pháp phòng, trừ, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung thực hiện chiến dịch phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ sản xuất. Công tác tuyên truyền, tập huấn được thực hiện sâu rộng trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn về công tác phòng, trừ sâu bệnh và các biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, tập huấn theo biện pháp canh tác lúa cải tiến SRI, các biện pháp phòng trừ chuột tổng hợp… tới các địa phương trong tỉnh. Với những nỗ lực, giải pháp kịp thời đã góp phần giữ vững, ổn định năng suất lúa năm 2016 đạt 131,71 tạ/ha, được xem là năm được mùa ở cả hai vụ lúa.

Năm 2017, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp tục thực hiện tốt việc điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo chính xác các đối tượng sâu bệnh hại trên cây trồng. Tiếp tục là năm cao điểm hành động về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, Chi cục duy trì và làm tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước đối với việc kinh doanh, buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm đưa việc này vào nền nếp, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”.

Theo Lưu Ngần - Báo Thái Bình 

Tìm kiếm chúng tôi