Tin hot

Cần Thơ: Nông dân 'trúng đậm' nhờ mô hình trồng lúa giảm phát thải


Nhờ áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, nông dân Cần Thơ giảm được lượng phát thải khí nhà kính, đồng thời tăng năng suất và lợi nhuận.

Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho ngành nông nghiệp Cần Thơ khi thành phố phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp tại Hợp tác xã Tiến Thuận (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh) với diện tích 50 ha. Đây là mô hình thí điểm đầu tiên của Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Diện tích thí điểm sử dụng giống lúa OM 545, sạ bằng máy kết hợp vùi phân; tưới nước, bón phân theo vùng chuyên biệt; quản lý dịch hại tổng hợp, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Rơm rạ sau thu hoạch được đưa khỏi đồng làm nấm hoặc phân bón hữu cơ. Ðến nay, mô hình thí điểm này đã thu hoạch xong, ghi nhận bước đầu hiệu quả vượt trội về cả kinh tế lẫn môi trường.

Thu hoạch lúa tại mô hình thí điểm thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao ở huyện Vĩnh Thạnh (Ảnh CTO).
Thu hoạch lúa mô hình thí điểm thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao tại huyện Vĩnh Thạnh (Ảnh: CTO).

Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tiến Thuận ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, phấn khởi cho biết: “Ban đầu khi triển khai mô hình, các xã viên cũng khá hồi hộp, nhất là lo năng suất lúa có thể bị giảm khi thực hiện giảm mạnh lượng lúa giống chỉ còn 60 kg/ha. Tuy nhiên, đến thu hoạch lúa, ai nấy rất hài lòng bởi năng suất, chất lượng lúa đạt cao mà còn giảm mạnh được nhiều chi phí đầu vào nhờ áp dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật theo Ðề án. Vừa giảm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giảm phát thải khí nhà kính. Càng vui hơn khi sản phẩm lúa đầu ra được Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhật bao tiêu và doanh nghiệp cũng đã ký hợp đồng bao tiêu lúa liên tiếp trong các vụ tới".

Theo thống kê từ cơ quan chức năng, các diện tích lúa tham gia mô hình đã giảm được nhiều chi phí đầu vào như giảm lượng sử dụng giống khoảng 50%, giảm phân bón 20-30% và giúp giảm 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, trong khi năng suất lúa tăng ít nhất khoảng 7%, với năng suất lúa tại các diện tích tham gia mô hình có thể đạt 6,13-6,51 tấn/ha. Nông dân cũng có thêm thu nhập từ việc khai thác rơm và có thể giảm được phát thải khí nhà kính từ 2-6 tấn CO2/ha. Thu nhập của nông dân trong mô hình có thể tăng thêm từ 1,3-6,2 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn T, một hộ nông dân tham gia mô hình chia sẻ: "Trước đây, tôi canh tác lúa theo phương pháp truyền thống, tốn nhiều chi phí và ảnh hưởng đến môi trường. Từ khi áp dụng mô hình mới, tôi tiết kiệm được 30% chi phí đầu tư, năng suất lúa tăng cao và giá bán cũng tốt hơn. Hơn nữa nhờ được bao tiêu đầu ra, không lo rớt giá”

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Cần Thơ, mô hình thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao ứng dụng khoa học kỹ thuật tại Hợp tác xã Tiến Thuận đã gặt hái những thành công bước đầu. Mô hình có sự tham gia liên kết, hỗ trợ cung cấp các thiết bị công nghệ, vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm của 3 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần phân bón Bình Ðiền, Công ty TNHH MTV Tư Sang, Công ty Cổ phần Hoàng Minh Nhật. Mô hình hướng đến mục tiêu thúc đẩy cơ giới hóa trong gieo sạ, tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tăng năng suất và giảm phát thải khí nhà kính theo các tiêu chí của Ðề án.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ cho biết, đang tổng kết mô hình để triển khai vào vụ đông xuân 2024 - 2025. Thành phố đăng ký năm 2025 có 35.000 ha và đến năm 2030 là 48.000 ha tham gia đề án. Ở mỗi địa phương được triển khai, thành phố đều có làm mô hình để nông dân tận mắt thấy được lợi ích về kinh tế, môi trường, sức khỏe mà tham gia đề án.

Đánh giá về mô hình thí điểm tại Cần Thơ, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, mô hình đã tuân thủ đúng quy trình canh tác lúa theo Ðề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao đã được Bộ ban hành và đã giúp giảm được nhiều chi phí đầu vào. Mô hình cũng thúc đẩy nông dân trong việc san phẳng mặt ruộng để chủ động nước tưới tiêu và áp dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm canh tác lúa phát thải thấp.

Ðặc biệt, mô hình đã thúc đẩy sự kết nối và tham gia liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào và doanh nghiệp thu mua lúa gạo. Hướng đến hình thành mối liên kết bền chặt hơn và có trách nhiệm hơn, thực hiện đúng các cam kết đã thỏa thuận với nhau.

Ông Tùng nhấn mạnh, đây là mô hình cần được nhân rộng và phát triển hơn nữa tại TP. Cần Thơ và toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long khi triển khai kế hoạch xây dựng các mô hình và kế hoạch thực hiện Ðề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao.

 
Tác giả: Ngân Nga
Tìm kiếm chúng tôi