Trước đây, sau khi thu hoạch 1 ha cà phê, gia đình ông Nguyễn Tất Quang (thôn Kty 5, xã Cư Kpô) đều vứt vỏ cà phê. Hai năm trở lại đây, để hạn chế lượng phân hóa học bón cho cây, ông đã tận dụng vỏ trấu cà phê trộn với men ủ và phân bò để làm phân vi sinh.
Trước khi ủ, ông lót thêm một lớp rơm khô bên dưới và đậy kín bằng bạt. Sau ba tháng, phân đã ngả màu nâu đen, dần hoai mục, tơi xốp, gia đình bắt đầu đem đi bón cho cây trồng. Hằng năm gia đình ông ủ được hơn 2 tấn phân vi sinh để bón cho cây trồng.
Theo ông Quang, bình thường gia đình ông bón phân hóa học cho cây cà phê, chia làm 5 đợt/năm, chi phí đầu tư khá cao. Thế nhưng từ khi tự ủ được phân thì chỉ cần bón thêm khoảng 2 - 3 lần phân hóa học nữa. Nhờ đó, gia đình tiết kiệm được khoảng 10 triệu đồng tiền phân bón mỗi năm mà cây trồng vẫn phát triển tốt và năng suất cũng tăng hơn so với trước.
Vườn cà phê xanh tốt của gia đình anh Y Hlý Niê Kdăm (buôn Adrơng Prong, xã Cư Pơng) sau khi sử dụng phân bón vi sinh tự ủ. |
Tự ủ phân vi sinh, gia đình anh Y Hlý Niê Kdăm (buôn Adrơng Prong, xã Cư Pơng) cũng có cách làm hay, mang lại hiệu quả nhanh chóng trên cây trồng. Diện tích 8 sào cà phê của gia đình anh đang dần già cỗi, cho năng suất thấp, cùng với việc sử dụng thuốc diệt cỏ đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cây trồng và khiến đất đai bạc màu. Để khôi phục lại vườn cây, anh Y Hlý đã tìm hiểu về phân bón sinh học. Từ tháng 6/2021, anh bắt đầu tự ủ phân vi sinh từ việc tận dụng các phế phẩm nông nghiệp của gia đình. Anh sử dụng một thùng phi lớn, cho 10 lít chế phẩm sinh học, 10 lít mật rỉ đường, 30 - 40 kg bã đậu nành và gom một số loại quả trong vườn như: bơ, chuối, đu đủ đã hư hỏng (khoảng 20 kg) cắt nhỏ ra, hòa cùng 100 lít nước trộn đều hỗn hợp, rồi đậy nắp thùng phi lại ủ. Sau 45 ngày, hỗn hợp có mùi men bốc lên và đặc sệt lại thì có thể mang ra bón cho cây trồng. Một thùng phi như vậy sẽ thu được 120 lít phân bón. Anh dùng khoảng 1,5 lít phân đặc này hòa chung với 100 lít nước để phun cho cây. Trung bình mỗi tháng gia đình anh phun hai đợt cho cây cà phê, sử dụng 180 lít (1,5 thùng phi) chưa pha, với kinh phí khoảng 1,2 triệu đồng.
“Chỉ sau vài tháng được bón phân tự ủ, cây hấp thụ dinh dưỡng nhanh, ngày càng xanh tốt, hạn chế được sâu bệnh, đất đai tơi xốp, có độ mùn hơn. Nhờ đó, vụ thu hoạch vừa qua, năng suất cà phê cũng tăng thêm 4 tạ nhân so với năm trước. Hơn thế, gia đình còn giảm được lượng phân bón hóa học mà chi phí tự ủ phân không cao, nên có thể tiết kiệm được hơn 50% chi phí đầu tư. Hiện vườn cây đang dần được phục hồi nên gia đình sẽ giảm lượng phân vi sinh, một tháng chỉ cần bón một đợt cho cây”, anh Hlý chia sẻ.
Cán bộ Hội Nông dân tỉnh tham quan một mô hình cây ăn quả sử dụng phân hữu cơ tự ủ trên địa bàn huyện Krông Búk. |
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Búk Cao Thị Thuý Nga cho biết, tận dụng nguồn phế phẩm trong sản xuất và bảo vệ môi trường, Hội đã phối hợp với các đoàn thể tích cực mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật ủ phân vi sinh, phân hữu cơ bằng các phế phẩm nông nghiệp để bón cho cây trồng, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng các thương hiệu cà phê chất lượng cao, trái cây hữu cơ trên địa bàn huyện.
Do đó, người dân đa phần đều nắm được kỹ thuật và tăng cường tự làm phân vi sinh trong thời gian gần đây. Với giá phân bón đắt đỏ như hiện tại, việc tự ủ phân đã giúp người dân giảm thiểu chi phí đầu tư, đồng thời cây trồng, đất đai được cải tạo tốt, mang lại hiệu quả rõ rệt trong sản xuất.
Phương Thảo