Tin hot

Hướng đi nào cho nấm hữu cơ Việt?


Cạnh tranh khốc liệt với hàng ngoại nhập về giá và thời gian sử dụng, nấm hữu cơ Việt Nam buộc phải tìm những hướng rẽ riêng để có thể đứng được trên sân nhà.

Cạnh tranh gay gắt với nấm nhập ngoại

Là đơn vị làm nấm hữu cơ, chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Mai Văn Hưng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nấm Tốt Nameco (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) - cho hay, với việc ứng dụng công nghệ nuôi trồng của các cường quốc nấm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã giúp đơn vị khắc phục được yếu điểm về thời tiết nhiệt đới vốn không thuận lợi cho việc trồng nấm tại Việt Nam.

Mô hình trồng nấm hữu cơ tại Công ty Cổ phần Nấm Tốt Nameco (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ). Ảnh: N. H
Mô hình trồng nấm hữu cơ tại Công ty Cổ phần Nấm Tốt Nameco (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ). Ảnh: N.H

Năm 2020, sản phẩm của Nameco đã đạt chứng nhận hữu cơ Việt Nam, với hơn 15 dòng sản phẩm nấm tươi, khô, chế biến sâu, sản phẩm đã có mặt tại 30 tỉnh, thành và được phân phối tại hệ thống siêu thị mini và các nhà hàng chay.

Theo ông Hưng, Việt Nam có nguồn nguyên liệu dồi dào với giá thành rẻ, nhân sự sẵn có với số lượng lớn, nhu cầu sử dụng trong nước và quốc tế còn dư địa rất lớn. Tuy nhiên, khó khăn đối với các đơn vị trồng nấm hữu cơ hiện nay đó là cơ sở vật chất chưa hiện đại, chưa tiếp cận được các nguồn vốn, đặc biệt là các nguồn vốn ưu đãi cho nông nghiệp. Giá thành sản xuất nấm hữu cơ còn cao và thời gian bảo quản ngắn so với các sản phẩm nấm nhập khẩu.

Bên cạnh đó, kiến thức về nấm sạch của người dân và các nhà tiêu thụ sản phẩm còn yếu và thiếu dẫn tới khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Cạnh tranh với các đối thủ là các sản phẩm nấm nhập khẩu đội lốt hàng Việt Nam có thời gian bảo quản dài gấp đôi thậm chí gấp 3 lần.

“Thời gian bảo quản nấm sạch chỉ trong 7-10 ngày, trong điều kiện nhiệt độ từ 3-8 độ C. Do đó, sản phẩm của đơn vị không thể cạnh tranh được với nấm nhập khẩu với thời gian bảo quản từ 30-40 ngày”, ông Mai Văn Hưng chia sẻ.

Chọn chế biến sâu để đi đường dài

Theo ông Mai Văn Hưng, dùng nấm tươi không có chất bảo quản, chúng ta phải đạt được 3 tiêu chí: Thơm, giòn, ngọt..., những tiêu chí này, người tiêu dùng bắt buộc phải ăn mới cảm nhận được. Còn nếu chỉ có ngửi và nhìn thì sẽ khó phân biệt. Nếu chỉ nhìn, người tiêu dùng sẽ chỉ chọn nấm có chất bảo quản. Do đó, vấn đề giáo dục thị trường đang là vấn đề lớn nhất.

sản phẩm của Nameco đã đạt chứng nhận hữu cơ Việt Nam (năm 2020) với hơn 15 dòng sản phẩm nấm tươi, khô, chế biến sâu
Sản phẩm của Nameco đã đạt chứng nhận hữu cơ Việt Nam với hơn 15 dòng sản phẩm nấm tươi, khô, chế biến sâu. Ảnh: N.H

“Mỗi loại nấm có một hương vị đặc trưng riêng. Với nấm có chất bảo quản, người bán đang đánh đúng sở thích của khách hàng đó là giòn, người tiêu dùng ăn vào có cảm giác ngon. Còn việc có tốt cho cơ thể thì phải có các chuyên gia dinh dưỡng phân tích mới biết được”, ông Mai Văn Hưng nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, PGS.TS.BS Trần Đình Toán, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lâm sàng, Uỷ viên Hội đồng Dinh dưỡng và Thuốc - Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương - cho biết, bên cạnh việc chứa các hoạt tính chống oxy hóa, chống viêm… trong nấm có còn chứa một thành phần rất quý đó là beta-glucans.

Việc sử dụng nấm không chỉ giúp cơ thể nạp chất đạm, vitamin hay vi chất mà còn là một cách để đưa beta-glucans vào cơ thể. Nấm có giá trị dinh dưỡng tốt nhất khi còn sống (có nghĩa là không có chất bảo quản). Tuy nhiên, trong quá trình từ khi thu hái và khi đến tay người tiêu dùng sẽ mất một khoảng thời gian. Nếu thời gian đến tay người tiêu dùng càng kéo dài thì chất lượng sẽ giảm đi.

Trong khi khó có thể cạnh tranh về giá cả và thời gian tiêu thụ với nấm nhập ngoại hiện đang chiếm 98% trên thị trường, PGS.TS.BS Trần Đình Toán cho rằng, các doanh nghiệp cần đi theo hướng chế biến sâu và biến nấm này thành nấm dược liệu.

“Beta-glucans là thành phần tăng cường hệ miễn dịch rất tốt. Ăn nấm lợi nhất là đưa beta-glucans vào cơ thể nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể. Việc này thế giới đã chứng minh. Ở Việt Nam, cũng đã có doanh nghiệp khoa học công nghệ sản xuất beta-glucans từ 7 loại nấm khác nhau”, PGS.TS.BS Trần Đình Toán cho biết.

Về vấn đề này, theo ông Mai Văn Hưng, trong khi khó có thể cạnh tranh về giá cả và thời gian tiêu thụ với nấm nhập ngoại, đa dạng hóa sản phẩm từ nấm là giải pháp đang được doanh nghiệp lựa chọn. Hiện, doanh nghiệp đang đầu tư dây chuyền công nghệ sấy lạnh, đồng thời, hợp tác với viện nghiên cứu, các chuyên gia để nâng cao hiệu suất trong sản xuất cũng như cung cấp các giải pháp chế biến sâu, phát triển sản phẩm dược liệu từ nấm.

“Đơn vị đang xúc tiến sản phẩm tạo ra nước uống beta-glucans được tách chiết từ nấm. Theo kế hoạch từ năm 2025 - 2030, doanh nghiệp sẽ mở rộng nhà máy chế biến đạt chuẩn xuất khẩu châu Âu", ông Hưng cho hay.

Phát triển du lịch nông thôn tăng trải nghiệm của người tiêu dùng

Trên thực tế, người tiêu dùng đang rất băn khoăn về vấn đề chất lượng. Để người tiêu dùng không bị lúng túng trong câu chuyện lựa chọn sản phẩm nấm, để sản phẩm nấm tốt đến được với người tiêu dùng thông minh, bên cạnh câu chuyện truy xuất nguồn gốc, nhận diện thương hiệu sản phẩm là hết sức quan trọng. Đồng thời với đó, việc nâng cao kiến thức về nấm sạch của người dân và các nhà tiêu thụ là hết sức quan trọng.

Chị Phạm Minh Hoa (bên phải) hướng dẫn công nhân thu hoạch nấm hoàng kim tại trang trại
Chị Phạm Minh Hoa (bên phải) hướng dẫn công nhân thu hoạch nấm hoàng kim tại trang trại

Công ty TNHH Nấm Đà Lạt là một trong số rất ít doanh nghiệp trồng nấm đạt chứng nhận hữu cơ tại Việt Nam. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Phạm Minh Hoa - nhà sáng lập kiêm Giám đốc Công ty TNHH Nấm Đà Lạt cho biết, ban đầu nấm làm ra được chế biến để xuất khẩu sang Nhật.

Tuy nhiên, mong muốn giới thiệu đến người tiêu dùng trong nước sản phẩm chất lượng cao, tốt cho sức khỏe, từ đầu năm 2020, Làng Nấm Đà Lạt mở cửa cho khách tham quan, trải nghiệm hái nấm, thưởng thức một số món được chế biến từ nấm tươi và rau hữu cơ hái trong vườn.

Với mục tiêu phổ cập loại thực phẩm dinh dưỡng này đến đông đảo người tiêu dùng trong nước nhanh nhất có thể, Nấm Đà Lạt còn mở thêm dịch vụ hướng dẫn sử dụng nấm và bán nấm online trực tiếp tới người tiêu dùng. Đồng thời, ký kết hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị lớn.

"Tại một số siêu thị, công ty trực tiếp giới thiệu công dụng của từng loại nấm, cách chế biến và mời khách nếm thử. Kết quả là rất nhiều khách hàng sau khi ăn thử đã quyết định mua, sau vài lần đã trở thành khách "ruột" của công ty" - bà Hoa kể.

Tính đến nay, giá trị xuất khẩu nông sản hữu cơ chỉ đạt khoảng 20 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,46% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản - một con số khiêm tốn so với lợi thế sẵn có.

Ông Trương Xuân Sinh, đại diện Trung tâm Kiểm nghiệm kiểm chứng và Dịch vụ chất lượng (RETAQ) thuộc Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu đa dạng, đất đai cùng hệ sinh thái sản phẩm phong phú, Việt Nam hoàn toàn có thể định vị thương hiệu quốc gia về nông nghiệp hữu cơ trên bản đồ thế giới.

Để nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam phát triển đúng hướng và xứng tầm, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có chiến lược tổng thể cấp quốc gia với trọng tâm là quy hoạch vùng sản xuất hữu cơ phù hợp từng vùng sinh thái; hoàn thiện khung pháp lý, bộ tiêu chí thống nhất và minh bạch và quan trọng nhất là phát triển chuỗi liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp - thị trường.

Việc gắn sản xuất hữu cơ với xây dựng thương hiệu quốc gia, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn và du lịch sinh thái… sẽ giúp tăng giá trị sản phẩm và tạo động lực lan tỏa trong cộng đồng sản xuất. Đồng thời, cần đẩy mạnh số hóa thông tin sản xuất, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng hệ thống chứng nhận và kiểm tra, tối ưu hóa chi phí để doanh nghiệp và người dân dễ tiếp cận hơn.
 
Tác giả: Nguyễn Hạnh
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi