Huyện Cư Kuin có 24.885 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó đất trồng cây lâu năm là 19.074 ha.
Để khai thác tối đa tiềm năng và nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, huyện chủ động phối hợp với các trường đại học, trung tâm chuyển giao khoa học và công nghệ để đưa vào sản xuất nhiều giống cây trồng mới, có năng suất, chất lượng cao hơn.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khuyến khích người dân tăng cường trồng xen canh các loại cây có giá trị kinh tế, như: sầu riêng, bơ, cau trong các vườn cà phê, hồ tiêu. Việc trồng xen canh không chỉ giúp tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất mà còn tạo ra sự đa dạng trong sản xuất, giảm thiểu rủi ro khi thị trường nông sản có biến động.
![]() |
Ông Nguyễn Trung Thành (thứ hai từ trái sang) giới thiệu mô hình đa cây của gia đình mình. |
Gia đình ông Nguyễn Trung Thành (thôn 7, xã Ea Ning) có hơn 2 ha đất được khai thác hiệu quả bằng cách trồng xen canh nhiều loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu, vải, sầu riêng, cau và kết hợp với chăn nuôi dê. Ông Thành chia sẻ, việc trồng xen canh và chăn nuôi không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định mà còn tạo ra một mô hình sản xuất bền vững. Phân dê được sử dụng để chăm bón cho cây trồng, giảm thiểu chi phí đầu tư và bảo vệ môi trường. Năm vừa qua, gia đình ông thu hoạch được 3,8 tấn cà phê nhân cùng 1,2 tấn hồ tiêu và 3 tấn sầu riêng (hai loại cây là vải và cau mới được đưa vào trồng nên chưa cho thu hoạch). Tổng thu nhập của gia đình ông sau khi trừ chi phí đạt trên 1 tỷ đồng. Đây là con số ấn tượng, cho thấy hiệu quả của mô hình sản xuất mà ông Thành đang áp dụng.
Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Chuyên (thôn 6, xã Ea Tiêu) cũng là một ví dụ điển hình cho việc khai thác hiệu quả cây công nghiệp dài ngày. Gia đình bà có hơn 1 ha đất, trồng xen canh nhiều loại cây trồng như hồ tiêu, cà phê, sầu riêng, cau và hoa hòe. Bà Chuyên cho biết, cau được thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 10, sầu riêng thu hoạch vào tháng 9 và tháng 10, cà phê vào tháng 11, 12; hoa hòe cho thu hoạch quanh năm. Việc trồng xen canh giúp gia đình bà có thu nhập đều trong năm, không bị phụ thuộc vào một loại cây trồng duy nhất, đồng thời tạo ra việc làm liên tục. Giá cả các loại nông sản tăng cao thời gian gần đây nên bà rất phấn khởi, có động lực tiếp tục đầu tư, phát triển mô hình này.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Chuyên phấn khởi thu hoạch hồ tiêu niên vụ năm nay. |
Để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản và tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, huyện Cư Kuin đã chú trọng đến việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và phát triển sản phẩm OCOP. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 14 chuỗi liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh với các hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ để sản xuất và chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm chất lượng tốt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, mang lại thương hiệu cho sản phẩm địa phương. Công tác quy hoạch của huyện luôn được chú trọng, đặc biệt là quy hoạch phát triển sản xuất cây công nghiệp dài ngày, tạo ra vùng nguyên liệu tập trung, thuận lợi cho quá trình sản xuất, thu hoạch, chế biến và thương mại hóa sản phẩm…
Theo Bí thư Huyện ủy Cư Kuin Phúc Bình Niê Kđăm, để khai thác tốt lợi thế, phát triển bền vững các loại cây công nghiệp dài ngày, huyện xác định tổ chức lại sản xuất các cây công nghiệp chủ lực gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng; phát triển và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng hạ tầng cơ sở, chế biến và xúc tiến thương mại.
Bên cạnh đó, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất; tăng tỷ trọng diện tích sản xuất theo hướng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp (GAP), nông nghiệp hữu cơ (Organic); phát triển sản xuất cây công nghiệp chủ lực theo hướng tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất; hình thành, phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững, ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc phù hợp với điều kiện thực tiễn sản xuất địa phương, yêu cầu của thị trường tiêu thụ…
Ước tính đến năm 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) trên địa bàn huyện đạt 2.918 tỷ đồng, tăng bình quân hằng năm 4,16%, tăng 1,26 lần so với năm 2020; giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt trên 118 triệu đồng/năm. |
Lan Anh