Tin hot

Nâng cao hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng bằng chế phẩm từ hạt quả bơ


Nhằm tăng cường miễn dịch và nâng cao hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng, các nhà khoa học của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã tận dụng nguồn phế phẩm là hạt bơ để điều chế sản phẩm polyphenol để bổ sung vào thức ăn nuôi tôm.

Nhằm tăng cường miễn dịch và nâng cao hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng, các nhà khoa học của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã tận dụng nguồn phế phẩm là hạt bơ để điều chế sản phẩm polyphenol để bổ sung vào thức ăn nuôi tôm. Chế phẩm polyphenol từ hạt bơ có dạng bột, công thức phối trộn đơn giản và dễ dàng sử dụng. Đây là kết quả của đề tài “Nghiên cứu điều chế sản phẩm polyphenol từ hạt bơ (Persea americana Mill) nhằm nâng cao hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus Vannamei)” do TS. Phan Thị Anh Đào làm chủ nhiệm.
Tôm thẻ chân trắng có tên khoa học là Litopenaeus vannamei. Đây là loài tôm nước lợ hiện đang được nuôi ở nhiều vùng miền trên cả nước. Tôm thẻ chân trắng không chỉ cho năng suất cao mà thịt tôm còn có nhiều chất dinh dưỡng quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi trồng, người nuôi tôm có thể phải đối mặt với tình trạng tôm chết hàng loạt do vi khuẩn Vibrio parahaematolycus gây ra. Để ngăn ngừa tình trạng này, người ta thường bổ sung polyphenol (chất chống oxy hóa) vào thức ăn nuôi tôm để tăng cường miễn dịch, từ đó tăng tỷ lệ sống của tôm.
Hạt bơ chứa nhiều polyphenol
Polyphenol được tìm thấy trong hạt bơ khá cao. Trong hạt bơ còn chứa các nhóm hợp chất đa dạng với nhiều hoạt tính sinh học. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hạt bơ cũng chỉ được coi là phụ phẩm và chưa được tận dụng nhiều.
Do đó, TS. Phạm Thị Anh Đào cùng các cộng sự của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã quyết tâm điều chế một sản phẩm từ nguồn phụ phẩm này và ứng dụng trong nuôi tôm thẻ chân trắng. Cụ thể, nhóm nghiên cứu tiến hành thu thập hạt bơ tại Đắc Nông rồi đem rửa sạch, sấy khô làm nguyên liệu chiết xuất polyphenol. Chiết xuất polyphenol trích ly được từ hạt bơ được nhóm phối trộn cùng với bột bắp, bột mỳ để điều chế sản phẩm polyphenol dạng bột.
Chế phẩm polyphenol từ hạt bơ có những ưu điểm như tổng hàm lượng polyphenol cao, có hoạt tính sinh học như ức chế gốc tự do DPPH, vi khuẩn Vibrio parahaematolycus, đạt chỉ tiêu kim loại nặng và vi sinh theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thức ăn thủy sản.
Trích ly polyphenol từ hạt bơ
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những đánh giá ban đầu dựa trên các kết quả được thực hiện trong phòng thí nghiệm. TS. Phan Thị Anh Đào cho hay, để đánh giá hiệu quả của sản phẩm polyphenol trong thực tế, nhóm đã bổ sung polyphenol dạng bột điều chế được vào thức ăn nuôi tôm thẻ chân trắng và tiến hành nuôi thử nghiệm tôm bằng sản phẩm này trong bể composite và bể kính. Kết quả, sau 60 ngày nuôi thử nghiệm, tôm tăng trọng từ 6,91 – 8,10 gam/con, đạt trọng lượng từ 7,96 – 9,15 gam/con. “Riêng về tỷ lệ sống, việc bổ sung 500 – 750 – 1.000 ppm polyphenol đã cho hiệu quả khá tốt (ở mức 76%), giúp tăng tỉ lệ sống từ 9 - 10% so với đối chứng và có hiệu quả tương đương với sản phẩm BM hiện đang bán trên thị trường” – TS. Phan Thị Anh Đào nhấn mạnh.
Đáng chú ý, sau khi phân tích thành phần hóa học của tôm nấu chín, nhóm nghiên cứu nhận thấy không có sự thay đổi lớn ở các thành phần độ ẩm, protein, lipid, tro và canxi khi tôm nuôi được cho ăn các thức ăn có hoặc không có thành phần polyphenol. Tương tự, các thuộc tính màu, mùi, vị của tôm cũng không có sự khác biệt. Riêng đối với cấu trúc cơ thịt tôm, kết quả từ máy đo Rheo Tex SD-700 Texturometer cho thấy có sự dao động giữa các nghiệm thức nhưng không đáng kể. “Như vậy, việc bổ sung chế phẩm polyphenol vào thức ăn nuôi tôm không làm biến đổi đến thuộc tính cảm quan cũng như thay đổi cấu trúc cơ thịt tôm” – TS. Phan Thị Anh Đào kết luận.
Chế phẩm polyphenol do nhóm nghiên cứu điều chế. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Hạt bơ thường bị coi là phụ phẩm không có giá trị tại các nhà máy chế biến bơ đông lạnh, dầu bơ và mỹ phẩm. Do đó, nếu chế phẩm polyphenol từ hạt bơ được bổ sung vào thức ăn nuôi tôm ở quy mô lớn sẽ giúp giải quyết nguồn phụ phẩm hạt bơ và nâng cao giá trị cho loại quả này. Đồng thời, giúp nâng cao hiệu quả và tính bền vững của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng nói riêng, từ đó góp phần phát triển ngành nông sản và thủy sản nói chung.
“Chế phẩm polyphenol từ hạt bơ có thành phần polyphenol tổng cao, chứa nhiều các hoạt chất có hoạt tính sinh học tốt. Vì vậy, nên mở rộng ứng dụng của chế phẩm này như phối trộn trong thức ăn cho gia cầm, gia súc, nghiên cứu các hoạt tính sinh học khác như ung thư. Đồng thời, cần tiếp tục thử nghiệm trên ao, đầm nuôi tôm” – TS. Phan Thị Anh Đào nhận định.
Năm 2020, sản lượng nuôi tôm của nước ta đạt 950.000 tấn. Trong đó, tôm thẻ chân trắng đạt 632,3 nghìn tấn. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 8,41 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu mã hàng tôm thẻ chân trắng sống/tươi/đông lạnh (thuộc mã HS16) chiếm 38%; tôm thẻ chân trắng chế biến (thuộc mã HS16) chiếm 35%.
Bích Phương
 
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi