Tin hot

Rà soát quy hoạch chăn nuôi gắn với thị trường


Thời gian gần đây, giá thịt lợn hơi giảm mạnh, đặc biệt trong tháng 1/2017. Với mức bán tại các trang trại dao động từ 26.000-30.000 đồng/kg, người chăn nuôi lỗ từ 1-1,5 triệu đồng/con. Hiện mức giá đã tăng nhẹ, tuy nhiên người chăn nuôi vẫn lỗ và nhiều hộ sau khi giải phóng hết số lượng lợn tồn đã treo chuồng, chưa dám tái đàn.

Ngành chăn nuôi lợn của nước ta phát triển rất mạnh trong nhiều năm qua, nhất là từ cuối năm 2015 và nửa đầu năm 2016. Ảnh Internet

Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) xung quanh vấn đề này.

Nhiều người cho rằng, việc giá lợn hơi giảm là do người chăn nuôi tăng “nóng” đàn lợn và sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, ý kiến của ông ra sao?

Ngành chăn nuôi lợn của nước ta phát triển rất mạnh trong nhiều năm qua, có thể nói là “nóng” từ cuối năm 2015 và nửa đầu năm 2016. Bộ NN&PTNT đã cảnh báo ngay thời điểm giá lợn hơi còn ở mức 55-58 ngàn đồng/kg. Bộ đã chỉ đạo các địa phương không tăng quy mô đàn nái bằng mọi giá, mà nên theo hướng thay đổi cơ cấu chất lượng giống và phương thức chăn nuôi phù hợp với thị trường trong nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, khuyến cáo này chưa được người chăn nuôi quán triệt đầy đủ.

Còn vấn đề giảm giá có phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu của Trung Quốc không? Hiện, lợn và thịt lợn của Việt Nam chưa có trong Danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc và thực tế có tới trên 90% sản phẩm của ngành chăn nuôi lợn đều được tiêu thụ tại thị trường nội địa. Vậy tại sao chỉ có khoảng 10% sản phẩm xuất khẩu sang các nước xung quanh, trong đó phần nhiều là Trung Quốc bằng hình thức tiểu ngạch lại tạo nên sự lệ thuộc.

 

Ông Nguyễn Xuân Dương - 

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi

Theo tôi, đây là do vấn đề thông tin chưa thực sự đầy đủ, thậm chí gây bất lợi cho sản xuất trong nước.

Có một nghịch lý là trong khi giá lợn hơi giảm mạnh thì người tiêu dùng trong nước vẫn phải mua thịt lợn giá cao. Tại sao lại xảy ra tình trạng này thưa ông?

Theo tôi, nguyên nhân sâu xa vẫn là do chúng ta chưa thực sự ứng xử một cách đầy đủ từ công tác quản lý, đến hoạt động sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi một cách chuyên nghiệp theo kinh tế thị trường.

Tôi cho rằng, những thương lái, thu mua và giết mổ lúc này cần có trách nhiệm chia sẻ với người chăn nuôi.

Trước tình hình đó, ông có thể đưa ra giải pháp cũng như lời khuyên gì đối với người chăn nuôi để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất?

Để người chăn nuôi bình tĩnh vượt qua thời điểm này, các cơ quan quản lý và truyền thông cần thông tin đầy đủ kịp thời về giá cả thị trường ở các vùng, tránh thương lái lợi dụng ép giá. Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các tổ chức tín dụng khoanh nợ, giãn nợ và nhà nước hỗ trợ một phần lãi suất vay cho người chăn nuôi lợn thuộc đối tượng chính sách, gia đình khó khăn và các cơ sở chăn nuôi duy trì đàn giống.

Trong thời gian tới, cần rà soát điều chỉnh quy hoạch, xác định một vài sản phẩm chủ lực có lợi thế để xuất khẩu hoặc thay thế nhập khẩu. Qua đó huy động đầu tư xã hội và phát triển một cách bài bản, tạo thương hiệu quốc gia để cạnh tranh và hội nhập. Các địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi phù hợp với quy hoạch chung của cả nước, trong đó, đặc biệt chú ý gắn với thị trường và phát huy lợi thế so sánh để tạo ra các sản phẩm chủ lực, khác biệt phục vụ nhu cầu tiêu dùng.

Xin cảm ơn ông!

Tìm kiếm chúng tôi