Tin hot

Supe Lâm Thao - Bạn của nhà nông: Sắp xếp lại hệ thống đại lý, cửa hàng, chủ động cung ứng phân bón cho nông dân trước thời vụ


Công ty CP Supe PP&HC Lâm Thao đang chuẩn bị kết thúc việc thực hiện kế hoạch năm sản xuất- kinh doanh 2016, và việc cung ứng phân bón phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân và vụ mùa năm 2017 đã sớm được triển khai.

Từ năm 2015, đặc biệt là đầu năm 2016 đến nay, thị trường phân bón trong nước có nhiều biến động khó lường, khó dự báo do nhiều yếu tố khách quan như tác động của biến đổi khí hậu gây ra khiến nhiều địa phương phải thay đổi cơ cấu cây trồng, quy hoạch diện tích trồng trọt, làm giảm và thay đổi lớn về nhu cầu sử dụng phân bón. Cùng do tác động này mà sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng ngược lại giá một số mặt hàng nông sản như lúa gạo, cao su, cà phê vẫn theo đà giảm sút, gây mất cân đối giữa "đầu vào" và hiệu quả sản xuất của nông dân, hạn chế khả năng tái đầu tư. Ở nhiều nơi, do sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp nên có tình trạng nông dân bỏ ruộng, bỏ cây trồng truyền thống, hoặc không chú trọng đầu tư thâm canh. Mặt khác, do sự phát triển công nghiệp một cách khá ồ ạt các khu công nghiệp, cụm công nghiệp - nhất là ở khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ - đã làm giảm đáng kể diện tích đất nông nghiệp, trực tiếp giảm nhu cầu sử dụng phân bón. Thời gian gần đây, trong khi số lượng các cơ sở sản xuất gia tăng thì ở một chừng mực nào đó, công tác quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh phân bón bộc lộ những bất cập trong khâu quản lý chất lượng, quản lý thị trường, quản lý xuất - nhập khẩu...; gây nên tình trạng lộn xộn, tới mức mất kiểm soát thị trường phân bón. Nhiều loại phân bón giả, kém chất lượng, nhái mẫu mã của các cơ sở uy tín đã và đang lưu thông trên thị trường, gây thiệt hại cho bà con nông dân và ảnh hưởng đến các nhà sản xuất uy tín. Một khó khăn khác là ngành sản xuất phân bón tiếp tục phải chịu ảnh hưởng của Luật thuế GTGT đối với sản phẩm của mình. Do không được khấu trừ thuế vật tư đầu vào nên làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá bán sản phẩm, giảm sức cạnh tranh so với phân bón nhập ngoại.

Sản xuất phân bón tuy là ngành công nghiệp nhưng lại mang tính thời vụ, phụ thuộc vào khâu tiêu thụ, bởi sản xuất không thể tách rời thị trường.Sản xuất và tiêu thụ là hai mặt của một quá trình. Để có thể tiêu thụ tốt sản phẩm, nhà sản xuất cần phải làm rất nhiều việc. Đó là ổn định và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm; luôn nghiên cứu để sản xuất các sản phẩm mới, chất lượng cao phù hợp với từng loại cây trồng, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển, thích hợp với từng vùng thổ nhưỡng và khí hậu. Cũng rất cần thiết phải nghiên cứu truyền thống, tập quán canh tác, tâm lý của nông dân các địa phương để bằng các giải pháp kỹ thuật, giải pháp tiếp cận thị trường, tác động tâm lý, nhận thức hướng họ đến với các sản phẩm của mình. Tính đến thời điểm này, mặc dù Công ty đã thực hiện nhiều biện pháp để giữ vững và mở rộng thị trường nhưng sản lượng phân bón vẫn chưa đạt mục tiêu kế hoạch. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do thị trường ngày càng khó khăn bởi sự cạnh tranh rất quyết liệt của các nhà sản xuất, kinh doanh. Đó là nguyên nhân khách quan, nhưng cũng không loại trừ các nguyên nhân chủ quan xuất phát từ những hạn chế của hệ thống phân phối sản phẩm của Công ty đang hoạt động thiếu tính tổ chức, tranh giành địa bàn, cạnh tranh nhau bằng việc bán phá giá... Do đó, cùng với tích cực tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; phổ biến, hướng dẫn rộng rãi quy trình sử dụng phân bón Lâm Thao; áp dụng các cơ chế hỗ trợ nông dân; Công ty tiến hành sắp xếp lại hệ thống đại lý, đồng thời đầu tư để phát triển thị trường cả ở vùng đồng bằng, trung du và miền núi, nhất là ở miền Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận và sử dụng phân bón Lâm Thao. 
Về quản lý vĩ mô, thời gian gần đây, Công ty cũng như các nhà sản xuất phân bón đang tích cực kiến nghị Nhà nước sửa đổi Luật thuế GTGT, đưa phân bón vào danh mục sản phẩm chịu thuế với mức thuế suất 0% thay vì miễn thuế như trước; đồng thời có biện pháp quản lý chặt chẽ thị trường phân bón trong nước, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh bất hợp pháp để bảo vệ quyền lợi của nông dân và các nhà sản xuất tuân thủ pháp luật.
Trong việc sắp xếp lại hệ thống bán hàng của Công ty, trước hết phải thấy rằng, tổ chức và hoạt động của hệ thống các đại lý bán hàng hiện nay ở một số địa bàn có sự chồng chéo, khó kiểm soát. Việc tổ chức thị trường chung, không phân định địa bàn kinh doanh dẫn đến tình trạng bán phá giá, ảnh hưởng đến quyền lợi của cả Công ty, đại lý và khách hàng. Do vậy, cùng với linh hoạt, điều chỉnh, xây dựng và áp dụng thực hiện các cơ chế chính sách về tiêu thụ sản phẩm, phù hợp với diễn biến thị trường theo từng thời điểm, mùa vụ, từng loại sản phẩm, từng vùng tiêu thụ; khai thác tối đa các loại hình phương tiện vận chuyển bằng đường sắt, đường biển có chi phí vận chuyển thấp để giảm chi phí bán hàng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm; Công ty thống nhất với hơn 50 đại lý trên toàn quốc để sắp xếp lại cho phù hợp, nhất là tại các vùng cạnh tranh mạnh như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên... để phân vùng thị trường theo năng lực bán hàng. Ví dụ, ở Thanh Hóa trước đây có 6 đại lý bán chung, nay giao cho mỗi đại lý quản lý một vùng để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các đại lý. Khu vực đồng bằng Thái Bình, Nam Định trước đây cũng có một số đại lý, vừa qua Công ty tổ chức đấu thầu bán hàng với sản lượng 30.000 tấn và công ty CP Thương mại tổng hợp Toan Vân đã giành quyền phân phối phân bón Lâm Thao ở khu vực này, nên tốc độ bán hàng có chuyển biến tốt. Song song với nỗ lực giữ vững thị trường vùng đồng bằng, những năm qua, Công ty CP Supe PP&HC Lâm Thao đã có nhiều giải pháp phát triển thị trường miền núi Tây Bắc và Đông Bắc; thực hiện các chính sách bán hàng hỗ trợ kịp thời cho nông dân các vùng khó khăn vẫn có điều kiện phát triển sản xuất, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Riêng ở Phú Thọ đã có gần 4 nghìn tấn sản phẩm được cung ứng theo phương thức này.
Tiếp tục đáp ứng nhu cầu phân bón thường xuyên theo thời vụ, hiện nay Công ty và hệ thống hơn 50 đại lý bán hàng trên cả nước đang tập trung nguổn hàng về kho ở các vùng tiêu thụ, bảo đảm có đầy đủ hàng đáp ứng nhu cầu của nông dân trong sản xuất vụ Đông Xuân năm 2017; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý tốt vùng bán hàng, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh giữa các khách hàng của Công ty. Đây cũng là biện pháp để bảo vệ và phát huy thương hiệu "phân bón Lâm Thao" với biểu tượng ba nhành cọ xanh đã trở nên thân thuộc với bà con nông dân cả nước nói chung, nông dân Phú Thọ nói riêng trong hơn nửa thế kỷ qua.

PV

Tìm kiếm chúng tôi