Tin hot

Tân Kỳ phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi


Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Tân Kỳ luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với Phòng giao dịch NHCSXH huyện rà soát, hỗ trợ, hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn chính sách đúng mục đích, có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo.

Nhiều mô hình giỏi của hội viên phụ nữ

Trong các tổ chức hội nhận cho vay ủy thác ở Tân Kỳ thì Hội Phụ nữ huyện được đánh giá quản lý hiệu quả nguồn vốn vay, có nhiều hội viên vay vốn vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng từ nguồn vốn vay ưu đãi. Trong đó phải kể đến chị Nguyễn Thị Huệ - hội viên sinh hoạt tại Chi hội xóm Tân Thuận, xã Nghĩa Dũng. Với 50 triệu đồng nguồn vốn vay từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tân Kỳ, chị Huệ đã từng bước khẳng định nỗ lực của bản thân trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và trở thành tấm gương tiêu biểu về phụ nữ làm kinh tế giỏi của xã Nghĩa Dũng.

Gia đình chị Huệ, anh Hòa ở xóm Tân Thuận thuộc diện hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng chị cũng đã làm rất nhiều nghề để kiếm tiền trang trải cuộc sống nhưng cái nghèo cứ đeo đẳng bám mãi gia đình chị. Bằng ý chí và nghị lực vợ chồng chị đã từng bước vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Chị Nguyễn Thị Huệ hội viên sinh hoạt tại Chi hội xóm Tân Thuận, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ vay vốn NHCSXH trồng bí xanh hiệu quả cao. Ảnh: Việt Phương

Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở địa phương phù hợp với đặc điểm sinh trưởng, phát triển của cây dưa hấu, vợ chồng chị đã quyết định đầu tư trồng 5 sào trên diện tích đất bãi. Song do kiến thức về khoa học, kỹ thuật cũng như nguồn vốn còn ít ỏi nên chị đã gặp không ít khó khăn, sản phẩm làm ra giá cả bấp bênh, chưa được thị trường đón nhận. Năm 2018 sau khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tập huấn về kỹ thuật trồng rau, củ, quả, chị Huệ đã mạnh dạn vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng để đầu tư và chuyển đổi sang trồng bí xanh và mở rộng diện tích lên 11 sào.

Từ khi chuyển sang trồng bí xanh, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Trung bình 1 sào bí, thu hơn 3 tấn quả, bán tại ruộng với giá 6.000 đồng  đến 7.000 đồng/kg, doanh thu đạt gần 20 triệu đồng/sào/vụ, sau khi trừ chi phí lãi 15 triệu đồng/sào/vụ. Tổng thu nhập mỗi năm của gia đình chị Huệ từ mô hình trồng bí xanh trên 300 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Huệ ở xóm Tân Thuận, xã Nghĩa Dũng 

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Huệ còn là một hội viên ưu tú tích cực tham gia các hoạt động của Chi hội phụ nữ cũng như Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Tân Thuận, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất với chị em, hỗ trợ giúp đỡ nguồn vốn cho chị em trong chi hội có hoàn cảnh khó khăn. Nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tân Kỳ đã giúp gia đình chị Huệ thoát nghèo vươn lên trở thành hộ khá giả, có điều kiện để nuôi 2 con ăn học, xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Mô hình nuôi ốc của gia đình Nguyễn Thị Kiều - hội viên hội phụ nữ xóm Đồng Nhất, xã Tân Phú. Ảnh: Việt Phương

Cũng ở tổ chức hội phụ nữ, ngoài mô hình vay vốn hiệu quả của chị Huệ, còn có mô hình nuôi ốc của hộ Nguyễn Thị Kiều hội viên hội phụ nữ xóm Đồng Nhất, xã Tân Phú. Trước đây chị Kiều thuộc diện hộ cận nghèo, năm 2017 được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng đầu tư xây dựng mô hình nuôi ốc bươu đen và lươn đồng trên diện tích hơn 2.000 m2. Hiện nay mỗi năm gia đình chị Kiều thu về trên 150 triệu đồng, kinh tế gia đình ngày một khá giả. Tương tự, chị Võ Thị Hoa - hội viên Chi hội phụ nữ xóm 7, xã Nghĩa Đồng vay vốn giải quyết việc làm 50 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư phát triển kinh tế trang trại. Hiện tại chị đang nuôi 19 con trâu, trồng 1,5 sào măng tây hiệu quả cao.

Tăng cường quản lý chất lượng tín dụng

Anh Cao Trường Dinh - Phó Giám đốc NHCSXH huyện Tân Kỳ cho hay: Tổng nguồn vốn quản lý hiện đạt trên 501 tỷ đồng, tăng so với đầu năm hơn 6 tỷ đồng. Doanh số cho vay trong quý gần 27 tỷ đồng, với 538 lượt hộ được vay vốn từ đầu năm, bình quân mỗi hộ được vay 50 triệu đồng. Tổng dư nợ đạt 500 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch được giao với 16 chương trình tín dụng, 10.835 hộ vay vốn. Trong quý I/2022, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện chuyển nguồn vốn ngân sách ủy thác cho vay 300 triệu đồng, UBND xã chuyển 200 triệu đồng. Đến nay tổng nguồn vốn Ngân sách địa phương là 2 tỷ 932 triệu đồng, trong đó ngân sách huyện 1,938 tỷ đồng; ngân sách xã 994 triệu đồng, hoàn thành 99% kế hoạch năm 2022.

Tổng dư nợ ủy thác cho các tổ chức hội đến đầu tháng 4 là 496 tỷ đồng, chiếm 99,17% tổng dư nợ. Trong đó, Hội Phụ nữ cho vay lớn nhất với 153,6 tỷ đồng, tiếp đó là Hội Nông dân 131,451 tỷ đồng, Hội Cựu chiến binh 117,387 tỷ đồng, Đoàn Thanh niên gần 94 tỷ đồng.

Về cơ bản ở cơ sở đã tổ chức bình xét cho vay đúng đối tượng thụ hưởng; công tác kiểm tra được Ngân hàng và các tổ chức hội cấp xã thường xuyên quan tâm; làm tốt việc đôn đốc khách hàng trả nợ, trả lãi và huy động tiền gửi tiết kiệm qua tổ. các thành viên là chủ tịch UBND xã, thị trấn đã quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong công tác triển khai chương trình tín dụng chính sách, đảm bảo cho vay đúng đối tượng thụ hưởng theo quy định, phê duyệt danh sách hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn. Thành viên ban đại diện cũng chỉ đạo xóm trưởng, khối trưởng phối hợp cùng NHCSXH, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn quản lý vốn tín dụng chính sách trên địa bàn; theo dõi, giúp đỡ người vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc người vay trả nợ, trả lãi ngân hàng đầy đủ, đúng hạn; tích cực tham gia xử lý các khoản nợ rủi ro…

Nhiều mô hình kinh tế do Hội Phụ nữ Tân Kỳ cho vay ủy thác phát huy hiệu quả. Ảnh: Việt Phương

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn những bất cập, công tác chỉ đạo các thành viên là Chủ tịch UBND xã đối với thực hiện chỉ tiêu kế hoạch tín dụng chưa sâu sát dẫn đến có 12/22 xã có dư nợ giảm. Kết quả huy động vốn theo lãi suất thị trường chưa cao. Lãi tồn đọng tại một số xã còn cao: Hội Nông dân thị trấn, Hội Nông dân Nghĩa Dũng, Hội Phụ nữ Kỳ Tân do công tác tuyên truyền, đôn đốc nộp lãi còn hạn chế, đặc biệt đối với chương trình cho vay học sinh sinh viên, lãi tồn các món vay quá hạn...

Chia sẻ về nhiệm vụ thời gian tới, ông Nguyễn Văn Thực - Phó Chủ tịch UBND huyện, trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Tân Kỳ cho biết: Huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư và chỉ thị 31 của Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, trong đó tập trung nâng cao vai trò của Chủ tịch UBND xã trong công tác tín dụng chính sách. Tranh thủ mọi nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH cấp trên, Ngân sách địa phương và huy động tiết kiệm để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát tại các xã, trong đó chú trọng kiểm tra những địa bàn có chất lượng tín dụng thấp đôn đốc người vay trả nợ đúng hạn, tránh trường hợp lợi dụng chính sách, cho vay sai đối tượng, cho vay chồng chéo...

Tác giả: Việt Phương
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi