Ông Bịt kể, năm 2014, qua tìm hiểu, biết trái na Thái được người tiêu dùng ưa chuộng nên ông quyết định mua 260 giống về trồng xen vào vườn bưởi của gia đình trên diện tích 7.000m2.
Trồng na Thái hái ra tiền, lão nông Cần Thơ lãi 4 tỉ đồng mỗi năm. Clip: Hồng Thắm
Thấy hiệu quả từ mô hình này mang lại, ông Bịt bàn với con gái mở rộng diện tích lên 10 ha với 4.000 gốc và đốn toàn bộ vườn bưởi để trồng na Thái.
Theo ông Bịt, cây na Thái dễ trồng, không kén đất, khả năng chịu khô hạn tốt và ít tốn công chăm sóc nhưng lại cho trái nhiều, quanh năm với giá thành ổn định ở mức cao.
Ông Bịt chia sẻ: Cây na Thái nếu được chăm sóc tốt, sau 2 năm bắt đầu cho trái chiếng. Vụ đầu, cây còn nhỏ, chỉ để mỗi cây mang khoảng 4-5kg trái. Muốn cây ra hoa, kết trái, nhà vườn phải chú ý cắt cành, tỉa lá, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho cây. Bên cạnh đó, cần quan tâm thụ phấn để cây đậu trái nhiều và trái đẹp.
"Mỗi vụ, tôi thu hoạch khoảng 2,5 tấn trái/ha. Trung bình, bán được giá 40.000 đồng/kg. Lúc hút hàng, giá có thể lên đến 50.000 đồng/kg. Với diện tích và sản lượng lớn, sau khi trừ chi phí, tôi lãi khoảng 4 tỉ đồng/năm" – ông Bịt tiết lộ.
Ông Bịt bộc bạch: “Trái na Thái ngọt thanh và dai, ít hạt, thịt nhiều, ăn đến đâu mát đến đó. Na Thái cũng đạt năng suất cao, bán được giá cao. Vì vậy, ví von rằng “trồng na Thái hái ra tiền” là có thật”.
Sau gần 10 năm trồng na Thái, sản phẩm na chính vụ cũng như na trái vụ của gia đình ông Bịt đều có trái to, đẹp, bán được giá cao. Mô hình trồng na Thái không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình ông Bịt mà còn là mô hình làm ăn tiêu biểu của địa phương, được nhiều nông hộ trên địa bàn đến học hỏi, làm theo. Năm 2021, ông Bịt được tuyên dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp TP.
Vào vụ thu hoạch na, mỗi ngày, ông Bịt thuê thêm 7-10 nhân công lao động. Mỗi người một việc, từ hái trái, phân loại sản phẩm, đóng gói đến lên hàng giao cho thương lái. Người lao động có thu nhập ổn định, từ 300.000-400.000 đồng/ngày/người”.
Phường Long Hưng, quận Ô Môn được xem là trung tâm của vùng trồng na Thái. Chỉ tính riêng khu vực Long Định, diện tích trồng chiếm khoảng 50% tổng diện tích làm vườn của địa phương. Nhiều bà con “ăn nên làm ra” nhờ na Thái.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Hưng, mô hình trồng na Thái của ông Bịt rất hiệu quả, giá cả luôn ổn định nên mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, địa phương đã nhân rộng mô hình này bằng việc thành lập tổ hợp tác trồng na Thái với diện tích 16 ha.