Phát huy lợi thế làng nghề truyền thống
Nhắc đến huyện Đông Anh (Hà Nội), không thể không nhắc đến những sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP nức tiếng gần xa, đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ như gạo nếp cái hoa vàng Đông Anh; gỗ mỹ nghệ Vân Hà; quất cảnh Tàm Xá; bún Mạch Tràng; tương Việt Hùng; rượu Liên Hà; đậu Chài Võng La...
Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Hội LHTN Thủ đô Hà Nội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024 - 2029, đoàn thanh niên huyện Đông Anh đã mang những sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP tới trưng bày và giới thiệu tới đông đảo người tiêu dùng Thủ đô.
Gian hàng giới thiệu và trưng bày các sản phẩm làng nghề, OCOP của huyện Đông Anh |
Giới thiệu về gian hàng của huyện Đông Anh, bạn Ngô Khắc Vũ, Phó Bí thư đoàn xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh cho biết: Bên lề Đại hội đại biểu Hội LHTN Thủ đô Hà Nội lần thứ VIII, đoàn thanh niên huyện Đông Anh đã đem các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP tới trưng bày và giới thiệu tới người tiêu dùng, đơn cử như: Gạo nếp cái hoa vàng, rối nước Đào Thục, bánh chưng Thụy Lâm, tương Việt Hùng, đồ gỗ mỹ nghệ Vân Hà…
Các sản phẩm của Đông Anh được đông đảo đại biểu quan tâm, tới tham quan và xin thông tin, địa chỉ mua hàng.
Trong số các sản phẩm của huyện Đông Anh mang đến Đại hội lần này có gạo nếp cái hoa vàng của Hợp tác xã Kinh doanh DVTH Nông nghiệp Thụy Lâm được cấp chứng nhận OCOP 3 sao. Gạo nếp cái hoa vàng là đặc sản nổi tiếng của người dân xã Thụy Lâm.
Hiện tổng diện tích trồng nếp cái hoa vàng trên địa bàn xã Thụy Lâm khoảng hơn 570ha, các thành viên của hợp tác xã chỉ trồng duy nhất một vụ mùa trong năm, theo phương pháp thâm canh lúa cải tiến SRI nên không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà sản lượng luôn đạt cao.
“Không chỉ đạt sản lượng cao, chất lượng gạo nếp cái hoa vàng của HTX Thụy Lâm cũng ngon đứng đầu các loại lúa nếp trên thị trường. Gạo nếp cái hoa vàng Thụy Lâm khi nấu lên, hạt trong và ráo, mềm nhưng không nát, hạt gạo đầy tròn, không vỡ, có mùi thơm, ăn vừa thơm lại đậm đà. Đặc biệt khi nấu chín thành xôi, xôi dẻo, hạt bóng, có mùi thơm nhẹ, hấp dẫn.
Sản phẩm con rối của làng nghề Đào Thục và đồ gỗ mỹ nghệ Vân Hà |
Năm 2013, sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng của xã Thụy Lâm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cấp nhãn hiệu tập thể. Gạo nếp cái hoa vàng Thụy Lâm có tem nhãn truy xuất nguồn gốc, giá bán lẻ trên thị trường là 35.000 đồng/kg.
Cuối năm 2019, gạo nếp cái hoa vàng của HTX Kinh doanh DVTH Nông nghiệp Thụy Lâm đã được UBND Thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao”, bạn Ngô Khắc Vũ thông tin.
Cùng với sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng, những sản phẩm rối nước của làng nghề truyền thống Đào Thục (Thụy Lâm, Đông Anh) cũng thu hút sự quan tâm của các đại biểu trẻ. Những con rối không chỉ là một nét sáng tạo, mà cách những người nghệ sĩ “thổi hồn” vào những con rối vô tri chính là sức hút riêng của múa rối nước nói chung và làng nghề Đào Thục nói riêng.
Qua hàng trăm năm gìn giữ và lưu truyền, đến nay, bằng tâm huyết và tình yêu đối với nghệ thuật múa rối nước, những người nghệ nhân, những người thợ làng Đào Thục đã cùng nhau duy trì, đưa múa rối nước trở thành một hoạt động văn hóa nổi bật, đặc trưng của làng Đào Thục, Đông Anh.
Tập trung phát triển các sản phẩm OCOP
Xác định việc thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, trong những năm qua, huyện Đông Anh đã tập trung các giải pháp thực hiện hiệu quả chương trình, phủ rộng khắp tại các xã, thị trấn trên địa bàn.
Theo đó, chỉ trong sáu năm qua, huyện Đông Anh đã chi hơn 11 tỷ đồng từ ngân sách huyện nhằm hỗ trợ giúp các các tổ chức kinh tế, chủ thể phát triển sản phẩm OCOP mới, nâng cấp sản phẩm đã có, hoàn thiện quy trình từ sản xuất đến phân phối, kể cả tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm.
Ngân sách huyện cũng hỗ trợ các chủ thể OCOP đăng ký bảo hộ, quản lý hoạt động liên quan truy xuất nguồn gốc, giúp minh bạch thông tin sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng về quy trình sản xuất, ngày thu hoạch và hạn sử dụng...
Sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng của Hợp tác xã Kinh doanh DVTH Nông nghiệp Thụy Lâm được cấp chứng nhận OCOP 3 sao |
Chương trình OCOP đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn huyện Đông Anh, thu hút 58 chủ thể với 186 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Huyện đang phấn đấu đến hết năm 2025, toàn bộ 24 xã, thị trấn trên địa bàn đều sẽ có sản phẩm OCOP.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng đánh giá: Chương trình mỗi xã một sản phẩm tại Đông Anh đã tạo điều kiện cho các địa phương sản xuất ra nhiều hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng, miền, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương.
Ước tính, tỷ lệ chủ thể OCOP gia tăng về sản lượng sau khi được công nhận OCOP là 46%, doanh thu bán hàng tăng bình quân là 29,7%; tỷ lệ sản phẩm OCOP có giá bán tăng lên là 50,43%, mức tăng giá bình quân là 17,5%.
Tuy nhiên, hiện các cơ sở sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện quy mô còn nhỏ, vốn ít. Việc mua sắm trang thiết bị áp dụng đồng bộ công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến còn hạn chế. Nhận thức của một số cơ sở về sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc xuất xứ hoặc tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản còn chậm....
Do đó, thời gian tới huyện Đông Anh cần sớm xây dựng, ban hành tài liệu hướng dẫn đăng ký bảo hộ và quản trị nhãn hiệu đối với các sản phẩm OCOP cho các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ thể OCOP. Đồng thời, huyện tăng cường tập huấn, hướng dẫn về sở hữu trí tuệ cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước tại các quận, huyện, xã, phường, thị trấn và các chủ thể OCOP tại địa phương...