Tin hot

Ứng dụng chế phẩm Lactoferrin vào sản xuất thực phẩm chức năng


Tận dụng tối đa lợi ích của chế phẩm, phụ phẩm sinh học từ lâu đã được Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm chú trọng nghiên cứu.

Năm 2018, PGS. TS Trương Quốc Phong và các cộng sự tại Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã bắt đầu thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất chế phẩm Lactoferrin từ Pichia pastoris tái tổ hợp để sản xuất thực phẩm chức năng” nhằm tận dụng tối đa những lợi ích của loại chế phẩm này.  

Cụ thể, Lactoferrin được biết đến là một glycoprotein gồm 703 axit amin với kích thước khoảng 80 kDa và có độ tương đồng cao ở các loài khác nhau. Đây là một protein đa chức năng có nhiều tác dụng khác nhau nên đã được sử dụng để nghiên cứu thử nghiệm trong y học và các ứng dụng công nghiệp. Do có nhiều đặc tính có lợi cho con người như duy trì cân bằng sắt, kháng khuẩn, kháng nấm, kháng viêm,… nên nhu cầu về Lactoferrin ngày càng cao. 

PGS.TS. Trương Quốc Phong báo cáo kết quả thực hiện đề tài tại buổi họp nghiệm thu

Trong khi đó, ở nước ta, Lactoferrin và các sản phẩm chứa Lactoferrin hoàn toàn là nhập ngoại. Mặt khác, các nghiên cứu trong nước về Lactoferrin chưa nhiều, đặc biệt, các nghiên cứu về sản xuất Lactoferrin bằng công nghệ sinh học chưa có. Việc tách chiết Lactoferrin từ sữa có hiệu suất thấp do hàm lượng Lactoferrin trong sữa không cao (khoảng 30-100 mg/lít) và sản phẩm tạo ra có thể nhiễm tác nhân gây bệnh từ động vật cho sữa.

Một trong những hướng tiếp cận sản xuất Lactoferrin nhận được sự quan tâm thời điểm này là bằng con đường tái tổ hợp vì đây phương pháp cho hiệu suất tổng hợp Lactoferrin cao. Vì vậy, mục tiêu cụ thể nhóm nghiên cứu hướng đến là xây dựng quy trình công nghệ, mô hình thiết bị và sản xuất được chế phẩm Lactoferrin từ Pichia pastoris tái tổ hợp quy mô > 100 lít dịch lên men/mẻ. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm theo quy định, đồng thời ứng dụng chế phẩm Lactoferrin từ Pichia pastoris tái tổ hợp để sản xuất thực phẩm chức năng. 

PGS. TS Trương Quốc Phong cho biết: “Có thể nói rằng, nhóm nghiên cứu của chúng tôi là nhóm nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam thực hiện tạo chủng Pichia pastoris tái tổ hợp để sản xuất Lactoferrin, phục vụ mục tiêu tạo chế phẩm để sản xuất thực phẩm chức năng”.

Sản phẩm viên nang Lactorferrin và nước uống tăng lực Lactoferrin. 

Cũng trong thời gian thực hiện đề tài, dựa trên quy trình công nghệ và mô hình thiết bị xây dựng được, nhóm nghiên cứu đã phối hợp với Công ty CP Dược phẩm NOVACO sản xuất 02 sản phẩm thực phẩm chức năng là Viên nang Lactoferrin và Nước uống tăng lực Lactoferrin. 

Kết quả khảo sát sản phẩm cho thấy, cả hai đều có tác dụng bổ sung một số dưỡng chất cho cơ thể, tăng cường sức đề kháng và nâng cao sức khỏe. Nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm cũng đã xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở cho 02 sản phẩm này với mã số tương ứng là: 9287/2020/ĐKSP và 9588/2020/ĐKSP. 

Việc xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm Lactoferrin từ Pichia pastoris tái tổ hợp đã góp phần chủ động được nguồn sản phẩm này để đáp ứng các yêu cầu của các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, việc sản xuất trong nước sẽ tạo ra sản phẩm có ưu thế cạnh tranh đối với sản phẩm nhập ngoại về thuế nhập khẩu, thời gian cung cấp...

Phương Linh

Nguồn:congnghiepsinhhocvietnam.com.vn Copy link
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi