Tin hot

Buôn lậu, hàng giả lại nóng dịp cuối năm


Đã thành quy luật, thời điểm cuối năm nhu cầu nguyên liệu sản xuất và hàng hóa tiêu dùng của người dân, DN tăng mạnh nên hoạt động buôn lậu, hàng giả diễn biến phức tạp.

Dù đã có nhiều giải pháp ngăn chặn nhưng với những thủ đoạn tinh vi, dân buôn lậu, sản xuất hàng giả đã khiến các lực lượng chức năng phải gồng mình đối phó.

Nhiều thủ đoạn qua mắt lực lượng chức năng

Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội cho thấy, trong tháng 10/2024 lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra 2.572 vụ, xử lý 2.295 vụ hàng cấm, hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Qua đó đã thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 294,3 tỷ đồng.

Chia sẻ về những thủ đoạn vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Dương Mạnh Hùng cho biết, để qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng thường cất giấu hàng lậu, hàng giả lẫn trong hàng hóa thông thường hoặc đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu đối với hàng hóa quá cảnh; mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch điện tử xuyên biên giới rồi vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh.

Đội quản lý thị trường số 15 và Công an Kinh tế Hà Nội kiểm tra hàng không rõ nguồn gốc trên phố Định Công, quận Hoàng Mai. Ảnh: Trần Việt

Đội quản lý thị trường số 15 và Công an Kinh tế Hà Nội kiểm tra hàng không rõ nguồn gốc trên phố Định Công, quận Hoàng Mai. Ảnh: Trần Việt

Các đối tượng buôn lậu thường tập kết tại kho hàng ở khu vực ngoại thành, ít người qua lại hoặc để tại nhà riêng, khu chung cư cao cấp. “Hiện trên địa bàn Hà Nội có đến 500 DN vận chuyển bưu chính, nhưng không phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc hàng hóa, đồng thời thanh toán qua trung gian... nên việc xác minh thông tin đối tượng buôn bán hàng lậu không dễ” - ông Dương Mạnh Hùng nêu.

Đồng tình với ý kiến này, Phó phòng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03) Đỗ Thế Thắng thông tin, khi môi trường internet phát triển, thương mại điện tử, mạng xã hội trở nên phổ biến, buôn lậu, kinh doanh hàng giả có thêm “đất” để rao bán công khai. Để qua mắt lực lượng chức năng các đối tượng bán hàng livestream ở một nơi nhưng kho hàng thì được tập kết ở nơi khác gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm.

Thông tin từ Cục Hải quan TP Hà Nội, mặc dù các vụ việc có dấu hiệu hình sự trong tháng 10/2024 giảm so với cùng kỳ năm 2023 nhưng nổi lên hiện tượng sử dụng pháp nhân công ty đã đăng ký kinh doanh để cố ý gian lận. Điển hình là giả mạo thông tin người đại diện theo pháp luật, công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, sử dụng trái pháp luật chữ ký số, tài khoản ngân hàng... làm thủ tục nhập khẩu trái pháp luật đối với hóa chất là mặt hàng kinh doanh hạn chế theo quy định của pháp luật.

Mở đợt cao điểm ngăn chặn hiệu quả

Theo các chuyên gia kinh tế, những tháng cuối năm, đặc biệt khi Tết Nguyên đán tới gần việc buôn lậu, sản xuất tiêu thụ hàng giả sẽ diễn ra phức tạp. Để ngăn chặn tình trạng này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, tập trung kiểm tra các điểm “nóng” của lực lượng chức năng.

 

Với mục tiêu ổn định, lành mạnh thị trường, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường hơn nữa công tác quản lý địa bàn, thống kê và nắm bắt thông tin về các tổ chức cá nhân, sản xuất, kinh doanh. Qua đó, lập kế hoạch kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, tránh gây khó khăn, phiền hà và làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của đối tượng kiểm tra.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, để ngăn chặn các đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Công an, Cục Hải quan, Cục Thuế TP Hà Nội và các sở: Y tế, NN&PTNT, TT&TT, Tài chính thành lập đoàn liên ngành tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát các kho hàng, bến bãi chứa hàng hóa, các địa bàn trọng điểm như chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), ga Yên Viên, ga Gia Lâm và các bến xe, sân bay...

Trọng điểm kiểm tra lần này là các mặt hàng thiết yếu và có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp cuối năm như: rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, đồ điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng và sản phẩm thời trang.

Đoàn kiểm tra cũng sẽ chú trọng các nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế; nhóm hàng nông sản như gia súc, gia cầm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; và các mặt hàng năng lượng như xăng, dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh thông tin, từ nay đến Tết Nguyên Đán Ất Tỵ sẽ tổng kiểm tra tại các khu vực, kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các tuyến đường bộ, đường sắt…. Ngoài ra, sẽ phối hợp với lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra các địa bàn tập trung đông dân cư, có sức tiêu thụ hàng hóa cao như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, qua đó ngăn chặn tình trạng buôn lậu các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Mặc dù lực lượng chức năng đã tích cực ngăn chặn hàng lậu, nhưng trong quá trình kiểm soát gặp nhiều khó khăn bởi một số quy định pháp luật chưa theo kịp diễn biến thị trường. Theo Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, quá trình xử lý buôn lậu chủ yếu chỉ xử lý vi phạm hành chính, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn tội phạm. Đơn cử, hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10 - 20 triệu đồng chỉ bị xử phạt 4 - 6 triệu đồng, trong khi các đối tượng có thể thu lợi bất chính gấp 3 - 4 lần giá trị thật của hàng hóa.

Để tạo thuận lợi cho lực lượng chức năng ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, ông Đỗ Thế Thắng đề xuất, các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số quy định. Cụ thể, với hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài trong quá trình lưu thông phải có hóa đơn, chứng từ nhập khẩu, không chấp nhận hóa đơn bán hàng nội địa thông thường. Trong quá trình điều tra, xác định hàng giả mạo xuất xứ nhưng lực lượng chức năng không xác định được chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc không có sản phẩm chính hãng để giám định thì những sản phẩm đó được coi là hàng giả.

Nhằm ngăn chặn hiện tượng buôn lậu, sản xuất, tiêu thụ hàng giả, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu, trong thời gian tới lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm bắt thị trường, kịp thời đề xuất xử lý những vấn đề gây bất ổn, bảo đảm cung, cầu các mặt hàng thiết yếu trong các dịp lễ, Tết.

Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, chú trọng kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, kho hàng, chợ đầu mối qua đó ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả.

 

Hiện các đối tượng chuyển hình thức hoạt động từ môi trường truyền thống sang môi trường thương mại điện tử. Vì vậy, Bộ TT&TT cần có quy định định danh người bán hàng, từ đó xác định được các nghĩa vụ với Nhà nước.

Ngoài ra, lực lượng chức năng cần kiểm soát hoạt động vận chuyển của DN bưu chính bởi đã có hiện tượng người Trung Quốc sở hữu đến 49% cổ phần, từ đó lợi dụng những đơn vị này vận chuyển hàng lậu.

Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP Hà Nội Nguyễn Trường Giang

Nguồn:kinhtedothi.vn Copy link
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi