Thời gian vừa qua, tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường do tác động bởi nhiều yếu tố: Lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước (Ấn Độ, UAE, Nga); hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực, ngũ cốc tại nhiều khu vực; diễn biến địa chính trị còn phức tạp (Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen), v.v... đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới.
Trước bối cảnh đó, để công tác điều hành xuất khẩu gạo đảm bảo mục tiêu tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, đảm bảo lợi ích của người trồng lúa; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đảm bảo dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; đảm bảo xuất khẩu có hiệu quả; đồng thời triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 03/07/2023 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 05/08/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07 về bình ổn thị trường gạo trong nước và xuất khẩu giai đoạn hiện nay. Nguyên nhân do trước đó đã có thông tin về lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số nước như Ấn Độ, UAE, Nga....
Mục tiêu của Chỉ thị này là các đơn vị chuyên ngành của Bộ Công Thương phải tăng cường phối hợp với nhau và với các địa phương trên cả nước để theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh... ngăn chặn hành vi vi phạm về niêm yết giá đầu cơ găm hàng, đẩy giá tăng bất hợp lý đối với mặt hàng gạo; đồng thời có sự tính toán nhịp nhàng cho việc xuất khẩu gạo.
Đối với Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương yêu cầu chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tại địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng tại các địa phương theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Tổng cục Quản lý thị trường sẽ kiểm soát tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh gạo nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán... - Ảnh minh họa |
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Chỉ thị nêu rõ: Các Bộ, ngành địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường theo dõi sát tình hình, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước, uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Chủ động nắm bắt tình hình, thông tin mới, ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh tại địa phương để báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về sản lượng, chủng loại lúa, gạo hàng hóa tồn đọng và dự kiến năng suất, sản lượng thu hoạch lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ sản xuất trên địa bàn nhằm thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo và đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 1711 ngày 08 tháng 8 năm 2023 gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.
Trong đó, có yêu cầu các Cục Quản lý thị trường địa phương thực hiện các nhiệm vụ:
Một là, tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt tình hình thị trường, diễn biến cung - cầu, giá bán của mặt hàng gạo nhằm xây dựng phương án kiểm tra, giám sát và đề xuất các giải pháp nhằm góp phần ổn định thị trường.
Hai là, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường theo dõi sát thị trường giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm gàng, định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.
Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Để thực hiện các nhiệm vụ này, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: Thời gian tới, toàn lực lượng sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; đặc biệt đối với mặt hàng gạo nhằm góp phần đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững.
Tổng cục tiếp tục chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ; phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát thị trường giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ và các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý thị trường đối với mặt hàng gạo.
Cùng với đó, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch số 888 ngày 22 tháng 3 năm 2021 của Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường về việc ban hành Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn năm 2021-2025 qua đó phát hiện, ngăn chặn sớm các dấu hiệu vi phạm.
Nhằm kiểm soát chặt chẽ thị trường gạo, trong năm 2021, Tổng cục Quản lý thị trường tham gia Đoàn thanh tra theo Quyết định số 1721/QĐ-BCT ngày 06/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về thanh tra việc thi hành pháp luật đối với một số doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh gạo Ấn Độ tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hải Phòng và TP.HCM. Sau thanh tra, Đoàn đã có kết luận về một số hành vi vi phạm của doanh nghiệp; trong đó có việc vi phạm về nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, các Cục QLTT địa phương đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng gạo, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Điển hình như trong tháng 9/2022, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 huyện Mỏ Cày Nam do Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre chủ trì đã phát hiện, tạm giữ 29,4 (hai mươi chín phẩy bốn) tấn gạo Ấn Độ tại một hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu. Và mới đây nhất, đầu tháng 7/2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh gạo tại xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Qua đó, đã phát hiện, tạm giữ 52 tấn gạo trắng nhập khẩu từ Ấn Độ không có nhãn phụ bằng tiếng Việt; với tổng trị giá hàng hóa là trên 600 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là buôn bán, kinh doanh gạo mà trên bao bì không có thông tin xác định nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa; không niêm yết giá; nhập lậu. |