Tin hot

Làm thế nào bảo vệ, quảng bá thương hiệu nông sản Việt?


Sản lượng nông sản Việt Nam tuy lớn nhưng dường như… gặp khó khi tiếp cận người tiêu dùng nước ngoài và thậm chí trong nước. Vậy, thực chất vấn đề là như thế nào?


Sản lượng nông sản Việt Nam tuy lớn nhưng dường như… gặp khó khi tiếp cận người tiêu dùng nước ngoài và thậm chí trong nước. Vậy, thực chất vấn đề là như thế nào?

Theo ông Nguyễn Trung Thắng, Viện trưởng Viện Marketing và quản trị Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa đều đi lên từ hộ gia đình nên không có tầm nhìn dài hạn. Các chủ doanh nghiệp này chỉ tập trung đến việc làm sao cho sản phẩm của mình bán ra nhiều, chứ chưa xem trọng thương hiệu là một tài sản có giá trị vô hình. Không ít người tới nay còn nhầm lẫn giữa thương hiệu và nhãn hiệu.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cảnh báo, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý nông sản Việt Nam đang làm theo phong trào, mà chưa quan tâm nhiều đến lợi ích của việc làm này. Vì thế, thương hiệu nông sản Việt Nam đang bị “tấn công” mãnh liệt ngay khi chưa được hình thành và thậm chí, đang là tài sản được nhiều đối tượng khai thác triệt để và mang lại tiền bạc cho không ít người. Cụ thể, khi sang Quảng Đông, vải ở đây trồng bạt ngàn, nhiều không kém những vùng trồng vải của Việt Nam. Song, ngạc nhiên hơn, vải dù được trồng ở Trung Quốc nhưng vẫn được bán dưới thương hiệu Thanh Hà hay Lục Ngạn... Điều này cho thấy, thương hiệu nông sản nổi tiếng gắn với vùng địa lý đang ngày càng có giá. Nếu chúng ta không có biện pháp bảo vệ thương hiệu thì nguy cơ ảnh hưởng đến giá trị kinh tế là rất lớn.

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng, thương hiệu không chỉ đơn giản là một nhãn hiệu, một chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký bảo hộ. Thương hiệu phải được hiểu rộng hơn thế, là tất cả những gì mà doanh nghiệp đạt được (danh tiếng, uy tín, thị trường, sản phẩm…) trong cả quá trình xây dựng lâu dài. Chính vì vậy, bảo hộ thương hiệu sản phẩm chỉ là bước đầu của quá trình xây dựng một thương hiệu có uy tín và sau đó là cả quá trình tiếp thị và quảng bá tới người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Cũng theo chuyên gia, muốn xây dựng thương hiệu nông sản phải có sự vào cuộc của "bốn nhà”: cơ chế, chính sách, nguồn vốn, khoa học kỹ thuật đầu tư cho cây trồng, vật nuôi thành những vùng chuyên canh hàng hóa từ khâu chọn giống cho đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Song, để đảm bảo sự duy trì và đứng vững của một thương hiệu thì cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng, cần nâng cao truyền thông cho người dân và cả cấp quản lý để xã hội hiểu hơn về vai trò, tác dụng của việc đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý… Ngoài ra, chiến lược xây dựng nông sản nên có thêm những phương án bảo vệ, phòng thủ đối với các cuộc tấn công; phải gắn với những chiến lược phát triển khác của ngành nông nghiệp. Nếu không, Việt Nam sẽ vẫn phải trả giá đắt cho vụ bị vay mượn, đánh cắp thương hiệu trắng trợn của tư nhân cũng như doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian vừa qua.

Theo Dinhhinhnhanhieu

Tìm kiếm chúng tôi