|
  • :
  • :

Đảm bảo kết nối cung ứng nông sản trong đại dịch COVID-19

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương trong cả nước, trong đó có sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện hoàn thành kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, đồng thời kết nối cung ứng hàng hóa đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.

 
 
Doanh nghiệp sản xuất hàng đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cung ứng ra thị trường
Doanh nghiệp sản xuất hàng đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cung ứng ra thị trường
 
Sở NN&PTNT đang phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ưu tiên các sản phẩm có thời gian thu hoạch ngắn để linh động điều chỉnh sản xuất theo nhu cầu thị trường. Đặc biệt, để đảm bảo nhu cầu thực phẩm cho các tỉnh Đông Nam Bộ, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở NN & PTNT cùng các địa phương triển khai các giải pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giảm diện tích sản xuất hoa ngắn ngày sang rau, củ, quả tại các khu vực phù hợp.
 
Hiện nay, tình hình sản xuất trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì, cơ bản ổn định, diện tích gieo trồng lũy kế đến tháng 7/2021 đạt 347.459,3 ha, tăng 1,8% so cùng kỳ.
 
Theo Sở Công thương Lâm Đồng, năng lực cung ứng rau, củ ra thị trường bình quân của Lâm Đồng là 6.000 tấn/ngày với các loại (ăn lá, củ, quả). Trong đó, lượng rau tiêu thụ dùng trong tỉnh chiếm 7%, phục vụ chế biến xuất khẩu chiếm 14%, còn lại 79% tiêu thụ ngoại tỉnh, tương ứng khoảng 4.740 tấn/ngày.
 
Hệ thống cung ứng rau, củ của tỉnh hiện nay gồm có khoảng 517 doanh nghiệp, hợp tác xã (HXT), tổ hợp tác (THT), hộ kinh doanh thực hiện cung ứng, tập trung tại các chợ đầu mối nông sản chất lượng cao Đức Trọng (121 hộ kinh doanh), chợ đầu mối nông sản Đà Lạt (31 hộ kinh doanh) và phân bổ chủ yếu tại địa bàn thành phố Đà Lạt và các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương, Lâm Hà. Hiện nay, Sở Công thương đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát, nắm chắc tình hình sản xuất, diện tích, sản lượng các mặt hàng nông sản chủ lực và các cơ sở thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản trên địa bàn để có các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong tình hình ảnh hưởng của dịch COVID-19 và ngay sau khi dịch bệnh được khống chế tại các địa phương trong nước.
 
Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng đã hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp kết nối với các đơn vị phân phối, tiêu thụ lớn tại TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, doanh nghiệp bán lẻ, các siêu thị tại TP Hồ Chí Minh để giúp tiêu thụ trong thời gian này. Có 2 hệ thống siêu thị là Sài Gòn Coop và Lotte Mart cùng các tập đoàn lớn như Hưng Thịnh, Him Lam, Novaland đã có chủ trương tiêu thụ nông sản thông qua Hiệp hội Doanh nghiệp Lâm Đồng. Các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tăng cường liên kết, thu mua nông sản của hộ nông dân, đồng thời đầu tư mở rộng công suất thu mua, sơ chế, chế biến, đặc biệt là hệ thống kho lạnh dự trữ nông sản, đảm bảo nguồn cung và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, chủ động giải quyết các tình huống nông sản tiêu thụ khó khăn do dịch COVID-19.
 
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, để đảm bảo kết nối cung ứng nông sản cho các địa phương, Sở đã có văn bản đề nghị Vụ Thị trường trong nước và Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương quan tâm hỗ trợ, giới thiệu, kết nối các nhà phân phối tiêu thụ nông sản cho Lâm Đồng giúp nông sản được tiêu thụ tốt, không bị tồn đọng, tránh thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân. Đồng thời, đề nghị UBND các huyện, các đơn vị liên quan, tập trung chỉ đạo, hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
 
Về lâu dài, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản bền vững, tiếp tục mời gọi, kết nối các doanh nghiệp lớn về ký kết hợp đồng, tiêu thụ nông sản với nông dân, HTX, THT. Tăng cường hướng dẫn doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các nông sản đặc trưng của tỉnh, từ đó tăng uy tín, sức cạnh tranh của nông sản Lâm Đồng trên thị trường. Đưa nông sản của tỉnh vào các siêu thị, trung tâm nông sản, các hệ thống cửa hàng nông sản cao cấp. Bên cạnh đó, thúc đẩy tiêu thụ qua các kênh phân phối thương mại điện tử thay thế cho các chợ truyền thống.
 
“Hiện nay Sở NN&PTNT Lâm Đồng đang tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường chuỗi giá trị toàn cầu nông sản; đồng thời, phát triển các hoạt động quảng bá sản phẩm OCOP và triển khai các hoạt động của Ban Chỉ đạo xúc tiến thị trường nông sản gắn với phát triển sản phẩm OCOP. Ngoài ra, tiếp tục triển khai các hoạt động thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là lĩnh vực chế biến nông sản, qua đó đã giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch. Ngoài các đơn vị sản xuất, chế biến quy mô nhỏ, hiện nay đã thu hút được Công ty TNHH B’Lao Food khởi công xây dựng nhà máy chế biến rau, củ, quả tại Khu Công nghiệp Lộc Sơn, TP Bảo Lộc với công suất dự kiến 30.000 tấn thành phẩm/năm. Để từ đó, đáp ứng đủ nguồn cung hàng hóa nông sản chất lượng cao trong đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp”, ông Châu cho biết.
 
 
Nguồn: http://baolamdong.vn/kinhte/202108/dam-bao-ket-noi-cung-ung-nong-san-trong-dai-dich-covid-19-3072981/