Tin hot

Đông Hưng: Để các trang trại phát triển bền vững


Những năm gần đây, số lượng trang trại ở Đông Hưng tăng nhanh, đa dạng về loại hình, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, tạo tiền đề thúc đẩy tích tụ ruộng đất, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa.

Chị Lê Thị Mai thu hoạch hòe trong trang trại của gia đình.

Theo ông Nguyễn Văn Chúc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, nếu như năm 2014 toàn huyện mới có 79 trang trại thì đến hết năm 2016 đã tăng lên 140 trang trại, trong đó trang trại chăn nuôi lợn chiếm gần 70%, tập trung ở các xã Ðông Kinh, Ðông Cường, Ðông Lĩnh, Ðông La, Hoa Nam, Ðông Vinh... Kinh tế trang trại phát triển đã giải quyết việc làm cho gần 800 lao động với thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2016, tổng doanh thu của các trang trại đạt gần 220 tỷ đồng.

Phát triển trang trại không chỉ là cách làm giàu bền vững mà còn là một hình thức tích tụ ruộng đất hiệu quả được nhiều nông dân trong huyện lựa chọn. Gia đình ông Nguyễn Ðức Tuyên ở xã Hợp Tiến đã vươn lên trở thành hộ giàu nhờ phát triển trang trại. Năm 2003, ông Tuyên lập dự án chuyển đổi toàn bộ 5.000m2 đất canh tác kém hiệu quả sang xây dựng trang trại tổng hợp theo mô hình vườn - ao - chuồng, áp dụng công nghệ xử lý chất thải bằng đệm lót sinh học để hạn chế dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và giảm ô nhiễm môi trường. Ông cho biết: Sau khi rời quân ngũ, tôi đã trải qua nhiều nghề nhưng chỉ đến khi thực hiện tích tụ ruộng đất, phát triển trang trại gia đình mới có “của ăn, của để”, xây dựng được nhà cửa khang trang, có điều kiện nuôi con ăn học. Còn gia đình chị Vũ Thị Vân ở thôn Văn Ông Ðoài, xã Ðông Vinh không chỉ chuyển đổi hơn 2.000m2 đất canh tác kém hiệu quả sang làm trang trại nuôi hàng trăm con lợn nái và lợn thịt mà còn thuê thêm 2.100m2 đất ở xã Ðông Xuân đầu tư xây dựng trang trại nuôi lợn và cá truyền thống. Chị Vân cho biết: Trước đây gia đình chỉ chăn nuôi vài chục con lợn và gà, thu nhập thấp. Từ khi chuyển ra vùng chăn nuôi tập trung, làm trang trại tổng hợp, mỗi năm gia đình thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Trang trại của gia đình chị Vũ Thị Vân.

Ðể các trang trại phát triển bền vững, trước tiên cần tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều hộ mặc dù sản xuất không hiệu quả nhưng vẫn muốn giữ đất, vì vậy nhiều chủ trang trại gặp khó khăn trong việc lập dự án đầu tư, thực hiện các thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, từ đó có tâm lý không yên tâm đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Ðến nay, toàn huyện Ðông Hưng mới có 43 trang trại có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thủ tục thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất có trang trại làm đúng, có trang trại chưa chấp hành đúng, chỉ mới có sự thỏa thuận riêng giữa bên mua và bên bán nên không có tài sản thế chấp ngân hàng để vay vốn. Trường hợp gia đình chị Lê Thị Mai ở thôn Ðông Bình Cách, xã Ðông Xá là một ví dụ. Trang trại của gia đình chị được xây dựng từ năm 2012, để mở rộng sản xuất chị đã thuê đất của các hộ dân khác xung quanh nhưng chỉ là sự thỏa thuận giữa hai bên chứ chưa thực hiện các thủ tục pháp lý. Còn anh Phạm Xuân Mẩy, cũng ở thôn Ðông Bình Cách, xã Ðông Xá thì mong muốn nhà nước quan tâm đầu tư hạ tầng các khu chăn nuôi tập trung, thực hiện tốt công tác an ninh trật tự giúp các gia đình yên tâm sản xuất.

Tích tụ ruộng đất là hướng đi đúng song hoạt động này ở các địa phương hiện đang gặp không ít khó khăn do ruộng không liền kề, các hộ giữ đất không muốn chuyển quyền sử dụng... dẫn đến việc nhiều chủ trang trại muốn mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi nhưng lại không có đất để mở rộng. Chị Trần Thị Ngần ở thôn Thượng Phú, xã Ðông Phong - chủ trang trại tổng hợp rộng hơn 10.000m2 trong đó có hơn 7.000m2 diện tích thuê lại mong muốn chính quyền địa phương vận động và có cơ chế khuyến khích các hộ dân đổi ruộng cho nhau, tạo quỹ đất cho thuê để mở rộng quy mô sản xuất, từ đó có điều kiện thuận lợi để phát triển bền vững.

Theo Thu Hiền - Báo Thái Bình

Tìm kiếm chúng tôi