Ông Nguyễn Xuân Thu đổ cám cho đàn lợn ăn tại trang trại của gia đình ở Bắc Ninh. Ảnh: Trần Quang
Từ khi giá lợn tăng trở lại đến nay đã gần một tuần, song ông Hoàng Văn Kim ở huyện Yên Khánh (Ninh Bình) đã nhanh chóng đẩy nhanh công việc chăn nuôi của gia đình. Cùng với việc tăng đáng kể lượng cám phục vụ đàn lợn, gia đình ông còn luôn túc trực ở chuồng để chăm sóc, dọn dẹp, tắm rửa cho các con lợn sạch để chờ ngày bán.
"Hiện giá lợn hơi tại tỉnh đã lên đạt trên dưới 36.000 đồng/kg, nếu trang trại nào chủ động được giống thì với giá này, họ vẫn có lãi trên 1.000 đồng/kg, còn không thì hòa vốn nên bà con chăn nuôi rất phấn khởi. Mong rằng, trong thời gian tới giá lợn sẽ tăng nhiều hơn nữa để nông dân chúng tôi gỡ lại số vốn đã thua lỗ trong đợt khủng hoảng vừa qua" - ông Kim chia sẻ.
Ông Kim cho biết, đến thời điểm này, dù giá lợn đã tăng nhiều so với trước, song gia đình ông và phần lớn các hộ nuôi lợn ở trong và ngoài huyện Yên Khánh lại không còn lợn to (trên 100kg/con) để xuất chuồng mà chủ yếu bà con chỉ còn lợn trên dưới 50kg/con.
Theo Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, đến thời điểm này dù giá lợn đã tăng nhiều so với trước nhưng bà con chăn nuôi trong và ngoài thành phố nên bình tĩnh, tỉnh táo không nên tăng đàn ồ ạt nữa mà nên theo dõi thêm thông tin từ thị trường để tránh rủi ro. Ảnh: Trần Quang
"Dù giá lợn đã tăng nhưng chúng tôi vẫn chưa thực sự thấy yên tâm, bởi có thể thời gian này phía Trung Quốc tăng mua, nguồn cung trong nước hạn chế nên giá lên cao nhưng không biết chừng một thời gian nữa đối tác họ ngừng mua giá lại rớt thê thảm thì nông dân chăn nuôi lại chìm trong thua lỗ" - ông Kim cảnh bảo.
Cùng thực trạng với các hộ nuôi lợn ở huyện Yên Khánh (Ninh Bình), các hộ nuôi lợn trên địa bàn huyện Văn Giang, "thủ phủ lợn" của Hưng Yên cũng đang rơi vào tình cảnh "dở khóc, dở cười". Trò chuyện với chúng tôi, anh Phạm Xuân Hiệp, một chủ trang trại ở xã Cửu Cao cho biết, hiện chuồng nhà anh và các hộ lân cận đều đã trống trơn, có hộ còn lợn thì chủ yếu vẫn là lợn nhỏ trên dưới 50.000 kg/con, chưa đủ trọng lượng để xuất chuồng.
Công nhân chăm sóc thú y cho đàn lợn giống tại trang trại của ông Phan Văn Miền ở Ninh Bình. Ảnh: Trần Quang
"Các trang trại vừa trải qua đợt khủng hoảng đều thua lỗ nặng, có hộ phải bán tống, bán tháo đàn với giá rẻ nên đến giờ dù giá tăng lên 36.000 đồng/kg chứ lên 50.000 đồng/kg, thương lái săn nhiều thì bà con chúng tôi cũng không có lợn mà bán, không được hưởng lợi gì đâu" - anh Hiệp chia sẻ.
Lý giải về nguyên nhân giá lợn tăng đột biến, anh Hiệp cho rằng: "Do một số tỉnh của Trung Quốc mới bị ngập lụt nặng, các trang trại lợn ở miền Nam nước này bị thiệt hại lớn dẫn đến nguồn cung lợn cho thị trường 3 tỷ dân bị thiếu hụt, do đó thương lái đổ sang Việt Nam để thu mua lợn, đẩy giá lợn tăng nhanh. Rất có thể trong thời gian tới giá lợn sẽ tăng lên trên 40.000 đồng/kg, song cơn sốt ảo này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và sẽ không kéo dài nên bà con phải thực sự tỉnh táo, không nên tái đàn tự phát và hàng loạt để tránh rủi ro thua lỗ nặng".
Dù giá lợn đã tăng trở lại, song nhiều hộ chăn nuôi ở Hà Nội vẫn chán nản vì không còn nhiều lợn
để xuất chuồng thu hồi lại vốn đã mất trong đợt khủng hoảng vừa qua.
Trái với sự thận trọng của các chủ trang trại trên, ông Nguyễn Xuân Thu, chủ trang trại lợn quy mô khá lớn ở xã Quỳnh Phú, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) tỏ ra rất phấn khởi khi giá lợn tăng đột biến trong mấy ngày gần đây. "So với thời điểm trước đến ngày hôm nay giá lợn hơi đã tăng lên đến 36.000 đồng - 37.000 đồng/kg, lợn giống tăng lên 600.000 - 700.000 đồng/con. Theo dự đoán của tôi giá lợn sẽ còn tăng cao nữa nên gia đình tôi rất yên tâm chăm sóc hơn 100 con chờ ngày xuất bán" - ông Thu khẳng định.
Vào thời điểm này, các hộ chăn nuôi ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đang khẩn chương vỗ béo đàn lợn
để kịp xuất chuồng hưởng lợi trong đợt tăng giá. Ảnh: Trần Quang
Dù giá lợn đang tăng từng ngày, song khi trò chuyện với phóng viên Dân Việt, anh Nguyễn Xuân Phương, một chủ trang trại chăn nuôi lợn ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) vẫn tỏ ra rất chán nản. "Đợt khủng hoảng vừa qua gia đình tôi và nhiều hộ nuôi lợn khác ở trên địa bàn huyện đã thua lỗ nặng nề, có hộ đã treo chuồng nên giờ giá lợn tăng chúng tôi cũng đành chịu. Bởi bà con cũng không còn vốn để mua giống, cám... tái đàn nuôi lại" - anh Phương ngậm ngùi nói.
Trần Quang - Theo Dân Việt