Tin hot

Tác động nào đến doanh nghiệp Việt từ căng thẳng Nga – Ukcraine?


Trước những diễn biến khó lường của cuộc xung đột Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây đối với Nga, không ít doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có quan hệ thương mại với Nga, Ukraine gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, “trong nguy có cơ”, doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm thấy cơ hội để xuất khẩu nhiều mặt hàng khác sang Nga, nhất là khi nước này đã bắt đầu điều chỉnh chính sách hướng tới thị trường châu Á, châu Mỹ La-tinh, châu Phi nhiều hơn…

Khó khăn “tứ bề”

Là nước có độ mở kinh tế rất cao, hội nhập rất sâu vào kinh tế toàn cầu, Việt Nam khó tránh khỏi những tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine. Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – cho rằng, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có tác động trực tiếp và gián tiếp tới các nền kinh tế trên thế giới và trong đó Việt Nam không ngoại lệ. Đặc biệt, trong ngắn hạn, doanh nghiệp trực tiếp có quan hệ thương mại giữa Nga và Ukcraine gặp nhiều khó khăn, từ việc tiêu thụ hàng hóa khó khăn, nhập khẩu nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao, chi phí tăng lên và rủi ro trong thanh toán. Ngay cả nhà đầu tư nước ngoài khác đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam cũng chịu tác động, đặc biệt những tập đoàn đa quốc gia.

Tác động nào đến doanh nghiệp Việt từ căng thẳng Nga – Ukcraine?

Các mặt hàng xuất khẩu chính sang Nga, gồm điện thoại và linh kiện (chiếm 33% kim ngạch của Việt Nam sang Nga); máy vi tính và sản phẩm điện tử (13%), dệt may (10,5%), cà phê (5,4%), thủy sản (5,1%).

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu sang liên bang Nga và Ukraine giảm mạnh trong tháng 2/2022. Cụ thể, tháng 2, xuất khẩu sang Nga chỉ đạt hơn 180 triệu USD, giảm tới 44,46% so với tháng 1 trước đó và giảm đến 12,45% so với cùng kỳ 2021. Tương tự, xuất khẩu của Việt Nam sang Ukraine cũng giảm tương đối. Kim ngạch xuất khẩu sang Ukraine tháng 2 chỉ đạt gần 13 triệu USD, giảm mạnh tới 60,3% so với tháng đầu năm, cũng giảm mạnh đến 32,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Nga, ông Nguyễn Duy Ninh - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội – chia sẻ, hiện công ty đang chịu tác động nặng nề từ cuộc xung đột này. Điều này thể hiện rõ nhất khi một số ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi Hệ thống Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT). Việc thanh toán giữa khách hàng với công ty đang bị “treo” lại, hàng đã xuất đi nhưng chưa được khách hàng thanh toán. Cùng với đó, lô hàng đã xuất đến Hà Lan nhưng cũng bị “giam”, vì Hà Lan không chuyển sang Nga, đề nghị chuyển trả lại.

“Đặc biệt, trong những gần đây, tỷ giá đồng tiền rub liên tiếp bị rớt giá, điều này ảnh hưởng nhiều đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp, khi chủ yếu ký với khách hàng Nga bằng tiền USD. Mặc dù, doanh nghiệp đã liên hệ với một vài ngân hàng, thỏa thuận với doanh nghiệp Nga không thông qua Hệ thống SWIFT, mở tài khoản thanh toán qua đồng tiền rub, nhưng vẫn bị vướng bởi tỷ giá.”- ông Nguyễn Duy Ninh chia sẻ thêm.

Không dừng lại ở đó, trong lĩnh vực vận chuyển, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Duy Ninh cho biết, doanh nghiệp phải lựa chọn cung đường dài hơn, sử dụng phương thức vận chuyển khác. Nếu như trước đây bằng đường biển rẻ nhất, hiện nay cũng phải chấp nhận đi bằng đường sắt, hàng không, nhưng rất vòng vèo. “Lưu kho bến bãi, quãng thời gian dài hơn, trong quá trình vận chuyển có rủi ro xảy ra. Ví dụ có lô hàng ở Hà Lan, lưu kho ngày nào mất tiền ngày đấy, thậm chí, có khi còn tính đến phương án lấy hàng sẽ đỡ thiệt hại hơn.”- ông Nguyễn Duy Ninh cho hay.

"Trong nguy có cơ"

Những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng là không thể phủ nhận, song ông Nguyễn Duy Ninh cho rằng, nếu nhìn tích cực vẫn thấy nhiều cơ hội. Hiện, tỷ trọng thương mại giữa Việt Nam và Nga chưa phải quá lớn, chỉ tác động đến nhóm doanh nghiệp làm việc trực tiếp với Nga. Điều này cho thấy, vẫn có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiến sâu vào thị trường Nga, bởi khi Nga bị hạn chế tại thị trường châu Âu sẽ có sự chuyển hướng tới các quốc gia châu Á và Việt Nam là một trong những bạn hàng lâu năm của Nga.

Gợi ý về cơ hội, ông Phan Chí Hiếu cũng cho rằng, có thể Nga bị bao vây, cấm vận thì có thể xem những mặt hàng nào của Nga không thể nhập khẩu từ các nước phương Tây thì Việt Nam có thể thay thế được không. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần phải nhìn ra câu chuyện cạnh tranh, bởi các nước khác đều nhìn ra cơ hội này, không phải chỉ có Việt Nam.

Ngoài ra, trong bối cảnh này, bản thân một số nước có quan hệ thương mại, đầu tư lớn như châu Âu, chắc chắn họ có kế hoạch buộc phải điều chỉnh hoạt động kinh tế để giảm thiểu tác động. Sự thay đổi các hoạt động như vậy, doanh nghiệp cũng cần bám sát kỹ thông tin, từ đó có cơ hội thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn.”- ông Phan Chí Hiếu nhấn mạnh.

Cùng với những cơ hội, các chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Về ngắn hạn, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn việc hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và thiết lập kênh thanh toán, như đa dạng hóa các kênh. Về dài hạn, cần triển khai nhanh hơn gói phục hồi kinh tế. Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam – cho rằng, phải có chiến lược dài hạn để xây dựng thể chế kinh tế, cơ cấu kinh tế, chiến lược kinh tế đối ngoại phù hợp, thích ứng với giai đoạn mới của nền kinh tế thế giới, đặc biệt cần nâng cao khả năng chống chịu, tự chủ và phòng ngừa rủi ro.

“Làm sao thực hiện tốt hơn chương trình chính sách phục hồi kinh tế tăng tốc hơn, nhanh hơn nữa và tích hợp thêm giải pháp để đối phó những vấn đề nảy sinh từ cuộc chiến tranh này và những biện pháp trừng phạt gây ra.”- ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ.

Mới đây, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình căng thẳng và các rủi ro có thể xảy ra với nền kinh tế. Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành một số biện pháp cụ thể bước đầu.

Đơn cử, đối với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, Bộ CôngThương lưu ý, áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài, cân nhắc thấu đáo trong lựa chọn các ngân hàng thanh toán trong bối cảnh cấm vận.

Hơn nữa, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các ưu đãi trong 15 FTA giữa Việt Nam và các nước để đa dạng hóa thị trường. Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý trong xuất nhập khẩu để tránh vô tình vướng vào lệnh trừng phạt, nhất là lẩn tránh các biện pháp hạn chế thương mại.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ tại các nước châu Âu có trách nhiệm cao nhất trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đang có gặp khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu với Nga và Ukraine để tìm cách chuyển hướng sang các thị trường phù hợp tại châu Âu.

Trước những bất ổn từ xung đột Nga - Ukraine có thể tác động tới Việt Nam (kinh tế; vấn đề bảo hộ công dân), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình Ukraine. Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh làm tổ trưởng.

Thu Phương

 

Tác giả: Le Viet Anh
Tìm kiếm chúng tôi