Bảng xếp hạng “Các thương hiệu Ngân hàng uy tín tại Việt Nam đạt được sự hài lòng của khách hàng” là kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (Institute for brand and Competitiveness strategy) phối hợp cùng Vibiz.vn - chuyên trang hàng đầu về cơ sở dữ liệu tri thức kinh tế và kinh doanh, dựa trên các tiêu chí về năng lực tài chính, báo cáo tài chính năm gần nhất, uy tín của các ngân hàng thông qua truyền thông, tốc độ tăng trưởng doanh thu, quy mô vốn, lợi nhuận và các dự án...
Tình hình hoạt động ngành Ngân hàng gần đây
Nhìn chung 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ngành ngân hàng tăng đáng kể so với cuối năm 2016, đây là tín hiệu tốt đối với ngành Ngân hàng nói riêng cũng như toàn ngành kinh tế Việt nam nói chung.
Lợi nhuận trước thuế toàn ngành đạt khoảng 13,9 nghìn tỉ đồng, tăng 30,8% so với cuối năm 2016. Khối ngân hàng nhà nước ước đạt 18,8 nghìn tỉ đồng, tăng 22,8% so với cuối năm 2016; khối ngân hàng tư nhân đạt 43,3 nghìn tỉ đồng, tăng 2,61% so với cuối năm 2016.
5 tháng đầu năm 2017, sự chuyển biến dòng tiền là khá lớn, tổng tài sản đạt 8.727 nghìn tỉ đồng, tăng 5,21% so với cuối năm 2016; tổng vốn điều lệ đạt 500 nghìn tỉ đồng, tăng 2,28% so với cuối năm 2016.
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục dồi dào trong Quý I/2017 đối với cả VNĐ và ngoại tệ và được kỳ vọng duy trì ở trạng thái tích cực trong Quý II/2017 và cả năm 2017. So với quý IV/2016, tình hình thanh khoản trong quý I/2017 dồi dào hơn so với kỳ vọng của TCTD tại thời điểm điều tra tháng 12/2016. Tính đến thời điểm 30/6/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,69% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 8,07%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,89% (cùng kỳ năm trước tăng 8,23%); tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2017 đạt 7,54% (mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây) cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp cùng với thu nhập lãi của các ngân hàng có sự cải thiện đáng kể.
Kết quả điều tra kỳ này cho thấy đa số các TCTD kỳ vọng tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục diễn biến khả quan đối với cả VND và ngoại tệ. Trạng thái thanh khoản dồi dào trong hệ thống ngân hàng là cơ sở cho việc ổn định lãi suất huy động, ổn định chi phí vốn đầu vào để duy trì lợi nhuận biên và tạo nguồn lực xử lý nợ xấu trong thời gian tới.
Mặt bằng lãi suất huy động tương đối ổn định, một số ngân hàng đã có động thái tăng lãi suất huy động nhưng mức độ tăng nhỏ, không thể hiện xu hướng tăng của thị trường.
Lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.
Tỷ lệ nợ xấu tăng giảm trái chiều giữa các ngân hàng với nhau, nhưng tựu chung lại nợ xấu chưa thực sự thuyên giảm và vẫn là một “gánh nặng” với ngành Ngân hàng hiện nay. Tính đến 31/3/2017, tổng nợ xấu nội bảng hệ thống tổ chức tín dụng trên 160.000 tỷ đồng, tương đương 2,56% tổng dư nợ tín dụng.
Với những kết quả khả quan nêu trên, mặc dù còn nhiều thách thức nhưng rõ ràng hệ thông ngân hàng Việt Nam đã và đang hình thành được những nền tảng nhất định, tạo đà để từng ngân hàng và định chế tài chính nói riêng cũng như toàn hệ thống nói chung bước vào một thời kỳ tăng trưởng mới.
Top các thương hiệu Ngân hàng uy tín tại Việt Nam
Bảng xếp hạng “ Top các Ngân hàng uy tín tại Việt Nam” dựa trên 3 tiêu chí: (1) Số lượng chi nhánh, địa điểm giao dịch; (2) % nợ xấu; (3) Giá trị thương hiệu của các Ngân hàng
Dẫn đầu bảng xếp hạng “Top các thương hiệu Ngân hàng uy tín tại Việt Nam” phải kể tới Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam- Agribank. Agribank là ngân hàng thương mại Nhà nước dẫn đầu về quy mô về tổng tài sản, nguồn vốn, dư nợ, mạng lưới rộng lớn 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch, đội ngũ nhân viên hơn 40.000 cán bộ, viên chức; tỷ lệ nợ xấu tương đối thấp 1,89% và giá trị thương hiệu đạt 126 triệu đô la.
Tiếp sau Agribank, Ngân hàng công thương Việt Nam- Vietinbank đứng ở vị trí thứ 2 với 1.156 chi nhánh phòng giao dịch, nợ xấu ở mức 1% và giá trị thương hiệu đạt 249 triệu đô la.
Các Ngân hàng: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam- BIDV, Ngân hàng Công thương Việt Nam và Ngân hàng Quốc tế Việt Nam lần lượt chiếm các vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng “ Top các Ngân hàng uy tín tại Việt Nam”.
Top Ngân hàng Việt Nam có dịch vụ hài lòng khách hàng
Kết quả khảo sát các ngân hàng thương mại Việt Nam cho thấy, các ngân hàng giờ đây đã hướng tới khách hàng nhiều hơn, quan tâm đến sự trải nghiệm thực tế của khách hàng thay vì mải mê “đánh bóng tên tuổi” và mở rộng phạm vi hoạt động.
Đánh giá của khách hàng trong khảo sát trực tuyến do Vibiz.vn chỉ ra rằng có ba yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn sản phẩm – dịch vụ của một ngân hàng bao gồm: giao dịch an toàn, bảo mật thông tin cao, thủ tục đơn giản, nhanh gọn và dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo, có nhiều chính sách ưu đãi.
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, khách hàng thường thực hiện giao dịch thông qua dịch vụ mobile hay Internet banking, cho nên đầu tư vào công nghệ và bảo mật thông tin khách hàng là yêu cầu cấp thiết của các ngân hàng thương mại hiện nay.
Nhìn vào phương án kinh doanh của các ngân hàng có thể thấy hiện nay các ngân hàng đang hướng đến cá nhân hóa dịch vụ chăm sóc khách hàng với nhiều sản phẩm – dịch vụ và ưu đãi riêng biệt cho từng đối tượng để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Đặc biệt, các ngân hàng liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi không chỉ để hút vốn mà còn nhằm gia tăng lợi ích cho khách hàng.
Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín- Sacombank chiếm vị trí đầu bảng với % sự hài lòng của khách hàng rất cao, chiếm 64,7%.
Theo sau là các Ngân hàng: Ngân hàng TMCP Sài Gòn- SCB với 57,8%; Ngân hàng Tiên Phong- TPbank với 55,4%; Ngân hàng Quân đội-MB với 50,3%, Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội- SHB với 48,0%, Ngân hàng Á Châu- ACB với 47,4% sự hài lòng của khách hàng.
6 tháng đầu năm 2017, toàn ngành Ngân hàng có bước tăng trưởng tốt, do đó lợi nhuận của các Ngân hàng trong bảng xếp hạng cũng có mức tăng đáng kể so với cuối năm 2016: Sacombank tăng 55,5%; MB tăng 26,0%; ACB tăng 52,8%; riêng TPbank có lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc đạt mức 131,4% so với cuối năm 2016.
Hầu hết các Ngân hàng có mặt trong bảng xếp hạng “Top Ngân hàng Việt Nam có dịch vụ hài lòng khách hàng đều có mức nợ xấu thấp, cụ thể Ngân hàng TMCP Sài Gòn- SCB 0,7%, Ngân hàng Tiên Phong- TPbank 1,0%, Ngân hàng Quân đội-MB 1,3%, Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội- SHB 1,9%, Ngân hàng Á Châu- ACB 2,0%, riêng Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín- Sacombank vẫn giữ ở mức khá cao 4,9%.
Kết luận
Với những kết quả khả quan nêu trên, mặc dù còn nhiều thách thức nhưng rõ ràng hệ thông ngân hàng Việt Nam đã và đang hình thành được những nền tảng nhất định, tạo đà để từng ngân hàng và định chế tài chính nói riêng cũng như toàn hệ thống nói chung bước vào một thời kỳ tăng trưởng mới.
Với thế mạnh của 1 chuyên trang hàng đầu về cơ sở dữ liệu tri thức kinh tế, nhằm hỗ trợ khách hàng có được những thông tin tức thời, chính xác, chất lượng trong nhiều linh vực, Vibiz.vn với 2 giải pháp: Cập nhật thông tin tự động, và phân tích thông tin theo yêu cầu sẽ hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp ra quyết định một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả nhất dựa trên thông tin thực theo thời gian thực, cũng như nâng cao sức cạnh tranh.
Theo Vibiz.vn