Thị trường gạo Việt Nam đang trở nên sôi động hơn với những thông tin về nhu cầu NK số lượng lớn từ một số thị trường quan trọng. Trong đó, nổi bật nhất là thông tin đến từ Philippines.
Một kho gạo ở ĐBSCL
Ngoài ra, trong thời gian tới, NFA cũng sẽ ra quyết định về khối lượng nhập khẩu 805.000 tấn gạo theo hạn ngạch năm, được giao cho các công ty tư nhân thực hiện. Lượng gạo này nhằm để đảm bảo đủ cung cấp lương thực trong mùa mưa bão. Mọi năm, vào quãng tháng 10 - 12, mưa bão thường gây tổn thất không nhỏ cho sản xuất lúa gạo ở Philippines.Đầu tuần này (22/5), Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) đã thông báo trong tháng 6 sẽ mở thầu NK 250.000 tấn gạo. Lượng gạo này nhằm bổ sung vào kho dự trữ của Philippines hiện đang khá thấp, chỉ đủ sử dụng trong 8 ngày. Trong khi đó, quy định của Philippines là gạo dự trữ quốc gia phải đủ dùng trong 15 ngày ở những tháng bình thường và 30 ngày trong những tháng giáp hạt (từ tháng 7 - 9 hàng năm). Theo NFA, đến đầu tháng 4, lượng gạo dự trữ của cơ quan này chỉ còn 2,86 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với lượng dự trữ 3,36 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoái.
Một nước khác ở châu Á cũng đang tính tới việc NK gạo với khối lượng lớn là Bangladesh. Vừa qua, các đợt lũ quét tràn qua nhiều cánh đồng đang thu hoạch ở nước này đã gây tổn thất lớn về sản lượng lúa, ước tính có thể mất tới 700.000 tấn. Để bù đắp lượng gạo thiếu hụt, Bangladesh sẽ NK 600.000 tấn gạo trắng, và sẽ tìm kiếm đối tác từ các nước XK gạo hàng đầu ở châu Á như Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar… Trước đó, Bangladesh đã mở 2 đợt đấu thầu mua gạo, mỗi đợt 100.000 tấn.
2 thông tin nói trên đã góp phần không nhỏ làm cho thị trường gạo Việt Nam trở nên khởi sắc hơn, nhất là thông tin từ Philippines, bởi Việt Nam đã có truyền thống thường xuyên trúng thầu trong những lần nước này mở thầu NK gạo.
Bên cạnh đó, theo thông tin từ một số doanh nhân ngành gạo, gạo Việt Nam nhiều khả năng sẽ xâm nhập mạnh trở lại vào thị trường châu Phi trong những tháng tới nhờ nhu cầu đang tăng lên ở châu lục này. Nhiều khách hàng châu Phi vốn trước đây mua gạo trắng của Ấn Độ, đang chuyển hướng sang gạo cùng loại của Việt Nam do có giá cạnh tranh hơn.
Nhu cầu gia tăng từ thị trường lớn nhất là Trung Quốc, cũng đang thúc đẩy hoạt động XK gạo của Việt Nam. Trong tháng qua nhiều khách hàng Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động giao dịch, mua bán gạo thơm và gạo trắng qua đường chính ngạch với các nhà XK Việt Nam. Vì vậy, nếu như trong quý I, lượng gạo bình quân mỗi tháng XK chính ngạch sang Trung Quốc là 176.000 tấn, thì lượng gạo XK sang Trung Quốc trong tháng 4 đạt tới 288.000 tấn. Theo Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm nay, gạo XK chính ngạch sang Trung Quốc đạt 815.418 tấn (tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái) và chiếm gần 1 nửa lượng gạo đã XK (hơn 1,779 triệu tấn)
Những nhu cầu nói trên đã giúp cho giá gạo XK của Việt Nam liên tục tăng lên trong mấy tuần qua. Đầu tuần này, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tại cảng Sài Gòn là 365 - 370 USD/tấn, cao hơn 10 USD/tấn so với cách đây 1 tuần. Giá 365 - 370 USD/tấn với gạo 5% tấm cũng là mức giá cao nhất mà gạo Việt Nam có được trong gần 1 năm qua.
Theo dự báo của FAO, sau 2 năm giảm liên tiếp, thương mại gạo toàn cầu trong năm 2017 sẽ hồi phục trở lại và tăng khoảng 4% so năm 2016, đạt khoảng 43,3 triệu tấn. Nguyên nhân là do nhiều nước có nhu cầu lớn về gạo như Madagascar, Nigeria, Philippines, Sri Lanka… sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu và lượng dự trữ quốc gia giảm sút. Dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong báo cáo công bố hồi giữa tháng này, cho rằng sản lượng gạo thế giới niên vụ 2017/2018 sẽ thấp hơn niên vụ trước, ở mức 481,3 triệu tấn, trong khi đó tiêu thụ sẽ tăng nhẹ. Thương mại gạo thế giới sẽ tiếp tục tăng, với NK cao hơn năm trước ở các nước châu Phi cận Sahara và Đông Nam Á. USDA dự báo thương mại gạo thế giới năm 2018 sẽ tăng lên 42,2 triệu tấn, nhiều hơn 2% so với năm 2017 và là mức cao kỷ lục thứ 3 trong lịch sử. Nhu cầu gạo của Trung Quốc, EU, châu Phi và Philippines sẽ vẫn mạnh. Trong năm nay, Trung Quốc sẽ NK 5 triệu tấn gạo, tăng 8,7% so với năm 2016. |
Theo Thanh Sơn - Báo Nông nghiệp Việt Nam