Tin hot

Bắc Kạn: Làm giàu từ cây ăn quả


Là một trong 4 gương mặt của tỉnh được tham dự Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017 tại thủ đô Hà Nội, ông Lưu Chấn Thụ ở thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông là tấm gương làm kinh tế giỏi của tỉnh với mô hình trồng cây ăn quả có quy mô lớn nhất xã.

Ông Lưu Chấn Thụ, thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông thu hái quýt

Từ năm 2001, gia đình ông nhận vài chục ha đất của lâm trường Bạch Thông để trồng rừng. Nhận thấy hiệu quả không cao, đến năm 2005, ông đã xin chuyển một phần diện tích đất đồi để phát triển cây ăn quả cam, quýt. Ban đầu chỉ trồng thử vài trăm cây, sau đó mỗi năm ông trồng tăng thêm diện tích. Tính đến nay ông Thụ đã sở hữu hơn 6ha cây ăn quả, chủ yếu là giống cây có múi, trong đó có tới 4ha là đã cho thu hoạch, bình quân sản lượng mỗi năm đạt 60 tấn, thu về từ 500 - 700 triệu đồng. Dự kiến năm nay vườn cam quýt còn có thể thu về tiền tỷ nếu thời tiết thuận lợi. 
Hiện nay, ông còn đưa giống cam Vinh, cam Xã Đoài, cam đường canh vào trồng thử. Đến nay, các loại cây này đều đã bói quả, hứa hẹn cho năng suất cao. Hiện ông có 500 gốc cam Vinh, hơn 1.000 cây cam đường canh, một số diện tích cây ăn quả có dấu hiệu già cỗi hoặc chết ông chủ động thay thế bằng những cây mới. 
Do trồng với số lượng lớn nên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được ông đặt lên hàng đầu, năm 2014 Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn và Viện rau quả Trung ương đã chọn vườn cây nhà ông để thí điểm mô hình VietGAP. Nhờ đó, sản phẩm cây ăn quả của gia đình luôn được đánh giá cao về mẫu mã và độ an toàn, mỗi mùa thu hoạch tới, gia đình ông không phải vất vả đưa ra chợ bán mà chủ yếu bán xô cho các thương lái dưới các tỉnh miền xuôi.
Ông Thụ cũng ấp ủ sẽ xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm cam, quýt để nâng cao giá thành sản phẩm, tạo sự tin cậy trên thị trường. Tuy nhiên, để làm được điều này, ông cho rằng ngoài nền tảng đã có là vùng hàng hóa tập trung thì cũng cần tính toán, liên kết các hộ trồng cây ăn quả lại với nhau, tuân thủ tốt quy trình kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó mới duy trì được thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm với các tỉnh bạn. 
Ngoài trồng cây ăn quả, ông Thụ còn tham gia trồng rừng sản xuất, hiện ông đang phối hợp với Lâm trường Bạch Thông nhận hơn chục ha rừng, bình quân mỗi năm từ trồng rừng ông cũng thu được trên 30 triệu đồng/ha. Nhờ sự chịu khó trong làm kinh tế mà giờ đây ông có thu nhập khá. 
Hằng năm, gia đình ông hỗ trợ tạo việc làm theo thời vụ cho lao động địa phương lúc nông nhàn từ 5- 8 lao động, với trên 750 ngày công, mỗi ngày công có giá trị từ 150.000- 180.000 đồng; giúp các hộ nghèo trong thôn được 500 cây giống. Ngoài ra, ông Thụ còn thường xuyên tuyên truyền, trao đổi kinh nghiệm sản xuất cho bà con nông dân trong chi Hội, thôn mỗi khi tổ chức sinh hoạt, họp thôn… 
Từ năm 2012- 2016, ông Lưu Chấn Thụ  luôn đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh và đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2012 - 2016, được UBND huyện, tỉnh tặng giấy khen, bằng khen. Năm 2017, ông được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

 

Hồng Chiêm (Hội ND tỉnh Bắc Kạn)

Tìm kiếm chúng tôi