Cào trứng sò huyết đê biển Bạc Liêu Ảnh: N.T
Ngồi nhâm nhi ly cà phê cùng các thợ cào khác để định địa bàn hoạt động, anh Huỳnh Ban (ấp Biển Tây B, xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, anh gắn bó với nghề này đã hơn 20 năm. Việc cào trứng sò huyết không hoạt động quanh năm mà chỉ làm theo mùa vụ. Thường thời điểm bắt đầu từ tháng 2 - 4 (âm lịch), nhưng năm nay bắt đầu sớm hơn khoảng nửa tháng. Vì thế, mấy hôm nay rất nhiều thợ cào trúng đậm.
Theo anh Ban và một số thợ cào khác, công việc cào trứng sò huyết chỉ kéo dài khoảng 3 - 4 tiếng. Người làm nghề dùng dụng cụ cào cát, bùn lẫn trứng sò vào vợt lưới, sau đó đãi sạch và mang vào bờ bán cho thương lái. Ra bãi biển cào từ lúc hơn 7 giờ sáng, anh Thạch Phong cùng ở ấp Biển Tây B, nói: “Cái khó của nghề này là lựa khu vực hoạt động. Vì nếu lựa trúng khu vực sẽ cào trúng nhiều, sản lượng nhiều, còn nếu chọn sai chỉ đủ để trả chi phí tiền ăn uống, xăng... Việc này có khi phải dò tìm hàng chục cây số dọc bãi biển mới phát hiện được”.
Theo quan sát, dụng cụ đánh bắt trứng sò huyết gồm lưới cước được niềng miệng bằng khung sắt, thau, rổ, dĩa. Sáng sớm là ngư dân đi tìm nơi cào bằng cách cào thử ở một số khu vực, nếu có nhiều sẽ dồn lực lượng về hoạt động. Vì thế địa bàn của họ thường thay đổi liên tục, nếu để ý không khó để biết chỗ họ làm nghề. Bởi nơi ấy có rất nhiều xe gắn máy đậu dọc theo lề đường.
Hoạt động theo mùa vụ mà rất nhiều chủ bãi xe có nguồn thu nhập cao nhờ dịch vụ ăn theo. Vì mỗi xe gắn máy được thu với mức giá 5.000 đồng. Tính ra mỗi buổi chủ giữ có nguồn thu nhập trên dưới 1 triệu đồng.
Trứng sò huyết sau khi cào được mang vào bờ bán cho thương lái, việc mua bán này được tiến hành theo thỏa thuận bằng hình thức mua xô, thông qua việc quan sát tỷ lệ trứng sò trong dĩa khi cho nước vào. Anh Nguyễn Minh Tuấn, một thương lái chuyên thu mua trứng sò ở Bạc Liêu, cho biết: “Việc mua bán này được hình thành nhiều năm nay và tùy thuộc vào thỏa thuận hai bên. Mỗi ngày tôi mua trứng sò với số tiền lên đến cả trăm triệu đồng. Số lượng thương lái ở đây không dưới vài chục người. Những ngày khai thác vừa qua người ít nhất cũng được vài trăm nghìn đồng, nhiều lên đến hơn 2 triệu đồng”.
Nhiều cánh thương lái mua sò huyết cho biết, trứng sò sau khi thu mua về sẽ được thả vào hố bạt hay vèo lưới nuôi dưỡng từ 1 - 4 tuần, sau đó sẽ bán lại cho người nuôi với giá 25 - 50 đồng/con (tùy kích cỡ).
Anh Trịnh Hiền làm thương lái đã nhiều năm ở Bạc Liêu chia sẻ, trứng sò huyết được ngư dân đánh bắt khoảng hơn 10 ngày nay. Lúc đầu chỉ vài trăm người nhưng hiện tại đã tăng lên khoảng 2.000 người, họ chia ra nhiều địa điểm để khai thác. Thợ cào bán trứng sò dựa vào đầu con nhiều hay ít mà có giá cao hay thấp. Đối với mỗi ký trứng sò huyết không lẫn tạp chất có giá 20 - 30 triệu đồng. Mỗi ngày thương lái mua ít nhất cũng vài triệu đồng, nhiều lên đến cả trăm triệu. Sau khi thu mua trứng sò của ngư dân rồi sẽ gieo ương lại và bán theo đầu con cho các hộ nuôi. Sau 2 tuần tuổi bán với giá 35 đồng/con; 4 tuần tuổi giá 50 đồng/con.
Ngọc Trinh - Phụng Hiệp/Theo Thủy Sản Việt Nam