Tin hot

Trái ngọt Nà Bó


Xã Nà Bó không chỉ được biết đến là vựa ngô lớn của huyện Mai Sơn, mà nhân dân trong xã còn phát triển mô hình cây ăn quả có giá trị kinh tế như thanh long ruột đỏ, xoài, nhãn ghép... mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây.

Nông dân Tiểu khu 7, xã Nà Bó (Mai Sơn) chăm sóc cây Thanh long.

Cấp ủy, chính quyền xã Nà Bó đã quy hoạch vùng trồng cây ăn quả và vận động nhân dân trồng các loại cây phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông nông thôn để vận chuyển sản phẩm hàng hóa thuận lợi. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn quả cho nông dân trong xã. Tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho người dân vay vốn đầu tư mở rộng diện tích cây ăn quả. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp nhằm hỗ trợ thành viên tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích thành lập các hội làm vườn, CLB làm vườn để trao đổi kinh nghiệm, tạo vùng sản xuất tập trung, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi và cải tạo 125 ha cây ăn quả giống địa phương kém hiệu quả sang trồng, ghép cây ăn quả có chất lượng cao như: Thanh long ruột đỏ, nhãn chín muộn, xoài ghép, táo lai, với sản lượng đạt 500 tấn/năm.

Cùng với việc khuyến khích mở rộng diện tích cây ăn quả, xã còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ bà con trồng cây ăn quả theo quy trình VietGAP. Nhờ đó, chất lượng cây ăn quả tăng lên, tạo vùng sản xuất tập trung với năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Riêng Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Hoàng, với 40 thành viên, trồng 30 ha nhãn ghép, thanh long ruột đỏ và một số loại cây khác như: chanh, táo, xoài ghép. Sản phẩm đã được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP và được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh và các tỉnh: Yên Bái, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng. Vụ năm nay, sản lượng đạt 80 tấn quả các loại, doanh thu 1 tỷ 500 triệu đồng, thu nhập bình quân 50 triệu đồng/thành viên/năm.

Mô hình trồng cây ăn quả của các hộ dân ở Tiểu khu 7, Tiểu khu 8, Tiểu khu Thành Công (bản Nà Bó) và bản Nà Đươi, từ việc ghép giống nhãn chín muộn giống gốc từ Hưng Yên lên các cây nhãn địa phương; ghép xoài Đài Loan, xoài Thái trên cây xoài, nhãn lâu năm hiệu quả thấp, sau một năm cho sản phẩm mẫu mã đẹp, bán được giá. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân còn chuyển đổi diện tích trồng ngô năng suất thấp sang trồng cây ăn quả. Những nương ngô khô cằn trước đây nay đã được phủ xanh bởi cây ăn quả. Ông Nguyễn Văn Cường, Tiểu khu trưởng Tiểu khu 8 (Nà Bó) cho biết: Hằng năm, Ban Quản lý Tiểu khu đã vận động các hộ chuyển dần diện tích trồng các cây ăn quả không hiệu quả sang ghép, lai tạo các giống cây ăn quả chất lượng cao. Mời cán bộ khuyến nông huyện về tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả. Nhờ đó, các hộ đã cải tạo vườn tạp, đưa giống nhãn, xoài lai hiệu quả kinh tế cao vào ghép. Ban đầu chỉ có vài hộ thực hiện chuyển đổi, sau 1-2 năm thu hoạch hiệu quả, các hộ trong tiểu khu đã tự học nhau mở rộng diện tích. Đến nay, toàn bộ 8 ha nhãn, xoài của bản đã được cải tạo lai ghép. Ngoài ra, các hộ còn trồng 3 ha táo, thanh long, bưởi diễn. Vụ thu hoạch vừa qua, nhiều hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên, tiêu biểu như gia đình các ông: Lê Xuân Bắc, Dương Văn Thắng, Phạm Công Nơ, Lê Đình Thắng...

Là hộ tiên phong trong việc cải tạo đất đưa cây thanh long ruột đỏ vào trồng ở xã, gia đình ông Nguyễn Quang Vinh, Tiểu khu 7 (Nà Bó) có 1,4 ha cây thanh long ruột đỏ. Ông Vinh cho biết: năm 1978, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, phục viên trở về địa phương, không nghề nghiệp, không vốn, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Thời điểm đó, tôi trồng 2 ha mía bán cho Công ty cổ phần Mía đường Sơn La. Năm 2013, tôi về Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương tìm hiểu cách trồng thanh long ruột đỏ và lấy 600 trụ thanh long về trồng thử nghiệm. Sau 1 năm, thu gần 70 triệu đồng từ tiền bán quả thanh long. Năm 2015, tôi tự ương giống trồng thêm 1.100 trụ, vụ thu hoạch vừa qua gia đình tôi thu 300 triệu đồng, tạo việc làm cho 4 lao động, với tiền công 4,5 triệu đồng/người/tháng...

Với những hiệu quả bước đầu cho thấy, việc mở rộng diện tích cây ăn quả là hướng đi đúng của nông dân xã Nà Bó và mở ra cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân trong xã.

Theo Nguyễn Thư - Báo Sơn La

Tìm kiếm chúng tôi