Tin hot

Cần hiện thực hóa xây dựng chuỗi giá trị cho nông sản


Nông sản Tây Nguyên lại bắt đầu vào mùa thu hoạch mới, nghịch cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa” lại ám ảnh người nông dân.

Làm sao khắc phục tình trạng này, để nông sản Tây Nguyên thực sự là mùa bội thu? Nhìn nhận của những người trong mảng đầu tư nông sản cho thấy, chỉ có định hướng đúng, khai thác đúng chuỗi giá trị, nông dân Tây Nguyên mới có thể nhận được những kết quả lạc quan cho mỗi mùa vụ gieo trồng của mình.

Những hiện thực không vui

Bà Nguyễn Thị Hòe, chủ nhân của một số trang trại trái cây vùng ven TP. Buôn Ma Thuột cho biết, cứ đến mùa mưa là bà lại tất bật thu hoạch trái cây và các loại nông sản giá trị. Song không mùa nào là bà vui trọn vẹn. “Ví dụ năm nay, dự báo giá sầu riêng sẽ tăng sau hai năm thông tin xuất khẩu nở rộ, nhưng giờ mưa lại đang đổ, nhiều cây rụng hoa, sản lượng sẽ kém. Người trồng sầu riêng vì thế đang lo. Có điều, nhặt sầu ít chưa chán bằng cảnh sầu đầy vườn mà thương lái không thèm ghé, giá sầu vài ngàn đồng/kg cũng không ai mua”, bà Hòe than thở.

Rõ ràng với những nhà đầu tư canh tác như bà Hòe, câu chuyện nông sản mỗi năm là mỗi sự thăng trầm. Đất đai màu mỡ, những tưởng sầu riêng, bơ, ca cao, đến xoài, chuối… chỉ cần cắm cây xuống sẽ có hoa trái liền tay. Nhưng, những mùa cà phê trĩu hạt cũng là giai đoạn khó khăn đầu ra tiêu thụ cho nông dân, những mùa bơ đầy cây cũng là lúc khung cảnh các chợ đầu mối Buôn Ma Thuột dồn đầy màu nâu chín nẫu ở thùng rác. Điệp khúc khó khăn về kết nối cung cầu, giúp tiêu thụ nông sản Tây Nguyên năm nào cũng diễn ra. Những chủ trang trại như bà Hòe, những nông dân cần cù ở Cư M’gar, Krông Pắc… chỉ có cách nhẫn nại đi nhặt trái chín rụng rồi thu gom… bón lại cho cây.

Chuỗi giá trị nông sản cần được xây dựng hoàn thiện các phân đoạn từ canh tác, thu hoạch, bảo quản đến lưu thông, tiêu thụ, tiêu dùng. (Trong ảnh: Một khâu trong quy trình sản xuất cà phê đặc sản tại Hợp tác xã Ea Tân, huyện Krông Năng). Ảnh: Nguyễn Gia

Một chuyên gia tư vấn Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên tâm tư, câu chuyện nông sản éo le hằng năm chắc chắn chỉ có thể thay đổi khi toàn cảnh đầu tư nông sản vùng cao nguyên hướng đúng vào chuỗi giá trị. Khái niệm này thật ra không mới, song lâu nay không được chú trọng, gần như chỉ nằm ở các bài giảng hay hội thảo khoa học. Người nông dân Tây Nguyên chưa tiếp cận rành rẽ vấn đề này, dù mỗi ngày mỗi vụ họ đều đang nằm trong chuỗi giá trị đó. Bởi lẽ nằm trong mà lại không ý thức rõ vấn đề, nên hiện thực gian nan của nông sản Tây Nguyên là vấn đề khó mà giải quyết được.

Xây dựng chuỗi giá trị

Theo chuyên gia nói trên, khái niệm chuỗi giá trị đã được các nhà khoa học châu Âu đưa ra từ nhiều năm trước. Trong đó, chuỗi giá trị lương thực phẩm, gắn liền nghĩa với chuỗi nông sản thực phẩm là để chỉ rõ bốn phân đoạn đầu tư. Đó là phân đoạn sản xuất, gắn với việc tổ chức canh tác, trồng, chăm sóc các loại nông sản cho đến khi thu hoạch và bảo quản; phân đoạn lưu thông, gắn với việc vận tải tiêu thụ, đưa sản phẩm đến các đô thị, chế biến phục vụ tiêu dùng; phân đoạn tiêu thụ, gắn với quá trình giao bán, đưa sản phẩm về tận bếp ăn người tiêu dùng; và phân đoạn tiêu dùng, gắn với trình độ bảo quản, chế biến lương thực, thực phẩm, tạo món ăn, nhận diện đúng nhu cầu ẩm thực, dinh dưỡng, đúng đối tượng sử dụng… Tổng thể xây dựng được cả bốn phân đoạn đó, mới thực sự là hệ thống logistics sản phẩm nông sản thực phẩm.

Với khái niệm này, có thể thấy, nông sản Đắk Lắk, Tây Nguyên lâu nay chưa được đầu tư hoàn thiện hệ thống logistics, chưa thực sự là những chuỗi giá trị, có tính tuần hoàn hợp lý. Từ việc canh tác của nông dân chưa gắn với kiến thức khoa học hiện đại, còn dựa vào kinh nghiệm dân gian truyền thống đã là một vấn đề cần được điều chỉnh. Rồi quy trình bảo quản, chế biến, vận chuyển nông sản, mà cộng đồng đang hiểu là logistics phân phối, cần phải hình thành những tuyến vận tải thế nào, kho bãi ra sao…

Cần xây dựng chuỗi giá trị để mỗi vụ thu hoạch là một mùa vui đối với nông dân (Trong ảnh: Nông dân huyện Krông Búk thu hoạch sầu riêng năm 2022). Ảnh: Minh Thuận

Quan trọng hơn, để thực sự là chuỗi giá trị, bốn phân đoạn đầu tư cần nhận được sự quan tâm, hợp tác của các nhóm đối tượng tham gia, gồm các cấp quản lý và chính quyền, các doanh nghiệp, các nhà khoa học và người nông dân. Theo đó, người nông dân đóng vai trò chủ thể phân đoạn 1, doanh nghiệp đảm nhận 2 phân đoạn tiếp và người tiêu dùng đảm nhận phân đoạn cuối cùng. Người tiêu dùng cũng chính là những thị dân đô thị.

Với đặc thù nông sản Tây Nguyên, việc xây dựng chuỗi giá trị vì thế đang nằm ở trách nhiệm của các cấp quản lý, các hội đoàn tổ chức (Hội Nông dân, Liên minh các hợp tác xã…) và các tổ chức khoa học nông lâm (các viện nghiên cứu, các trung tâm thí nghiệm, giống…). Người nông dân đang rất cần được kết nối với những cơ quan, đơn vị này, và qua đó liên kết được với các doanh nghiệp, người tiêu dùng để hoàn chỉnh quan hệ cung cầu ra thị trường.

Chỉ khi nào nông sản Tây Nguyên được tạo ra gắn liền với chuỗi giá trị nông sản, thì lợi ích của người nông dân mới được bảo đảm, và hạnh phúc của họ mới thực sự có được khi nhìn thấy mỗi mùa thu hoạch lại đang về.

Nguyên Đức

Nguồn:baodaklak.vn Copy link
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi