Toàn huyện hiện có 154/154 làng, cụm dân cư có nghề, trong đó 43 làng nghề được thành phố công nhận. Nhiều làng nghề mang nét đặc trưng cao như làng nghề đan cỏ tế (11 làng), khảm trai sơn mài (8 làng), làng nghề may mặc, thêu, cào bông (5 làng), làng nghề sản xuất hương (1 làng), làng nghề nặn tò he (1 làng)...
Không chỉ tiêu thụ thị trường nội địa, hiện sản phẩm thủ công truyền thống của các làng nghề Phú Xuyên còn xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, châu Phi, châu Mỹ... Bên cạnh đó, huyện Phú Xuyên có 112 di tích lịch sử được xếp hạng (35 di tích cấp quốc gia, 77 di tích cấp thành phố) cùng một số danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, đình, đền, chùa có giá trị về văn hoá.
Cụ thể, Bảo tàng chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đầy xã Nam Triều, Chùa Ráng (xã Quang Lãng), cây Lộc vừng cứu quốc (xã Chuyên Mỹ), đình Kim Quy (xã Minh Tân) - là nơi thờ Linh Lang Hùng Vương, đình làng Đa Chất (xã Đại Xuyên) với hơn 500 năm tuổi, đền thờ Công chúa Ả Lanh và Đại tướng Văn Bồng tại thị trấn Phú Xuyên.
Với hệ thống tài nguyên du lịch văn hoá phong phú, Phú Xuyện hiện có 2 điểm du lịch đã được UBND TP Hà Nội công nhận du lịch làng nghề theo quy định của Luật Du lịch 2017. Đó là điểm du lịch làng nghề khảm trai, sơn mài Chuyên Mỹ và điểm du lịch làng nghề may Vân Từ.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy, tuy là huyện ngoại thành nhưng Phú Xuyên phấn đấu trong giai đoạn 2025 - 2030 trở thành một trong những huyện trọng điểm du lịch làng nghề của Hà Nội. Qua đó đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế Phú Xuyên cùng phát triển.
Vì vậy trong thời gian tới bên cạnh sự cố gắng của địa phương , đòi hỏi Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch Hà Nội và doanh nghiệp lữ hành sẽ hỗ trợ tổ chức kết nối các tour, tuyến du lịch, đưa du khách đến tham quan, trải nghiệm tại điểm du lịch và các làng nghề truyền thống của huyện nhiều hơn nữa.
Tham gia với vai trò chuyên gia đào tạo, hướng dẫn bà con xã Phú Yên về kỹ năng ứng xử văn minh và du lịch cộng đồng, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) PGS.TS Phạm Hồng Long cho rằng, để du lịch Phú Yên phát triển cần có sự chung tay cùng làm du lịch của cộng đồng người dân. Người dân cần phải học cách ứng xử thân thiện với du khách bằng những cử chỉ, lời nói, nụ cười làm hài lòng du khách.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu thời quan qua đơn vị đa phối hợp với UBND một số huyện ngoại thành tổ chức nhiều chương trình hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng cho dân cư. Các hoạt động đã góp phần hướng dẫn kỹ năng phục vụ, giao tiếp đối với khách du lịch cho nhân dân, người phục vụ tại điểm du lịch qua đó gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu để thu hút du khách trong nước và quốc tế.