Tin hot

Cơn sốt “hộp mù” trở lại trong giới trẻ sau Tết


Sau dịp Tết nguyên đán, thị trường blindbox, blind bag (túi mù, hộp mù) “nóng” trở lại trong giới trẻ. Không ít người trong số họ chấp nhận dành hàng giờ để tìm mua túi mù hoặc bỏ ra một số tiền lớn để thỏa mãn đam mê này.

Hấp dẫn bởi sự bất ngờ

Có phần tương tự với "túi mù", blind box - hay “hộp mù" - là món đồ chơi đang thu hút nhiều bạn trẻ, có giá thành đắt hơn "túi mù" và đa phần đến từ các thương hiệu đồ chơi lớn khiến nhiều người chấp nhận chi hàng triệu đồng để "đập hộp" (unbox) đúng mô hình đồ chơi yêu thích. Sự hấp dẫn này không chỉ khiến "hộp mù" sốt trên mạng xã hội mà còn được bày bán tràn lan ở khắp các vỉa hè ở Thủ đô.

Những bé Baby Three được bày bán với nhiều mẫu mã và mức giá khác nhau

Những bé Baby Three được bày bán với nhiều mẫu mã và mức giá khác nhau thu hút giới trẻ tìm mua

Theo ghi nhận của phóng viên, sau dịp Tết Nguyên Đán tại một số tuyến đường như Kim Mã (quận Ba Đình), Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa), Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm),… xuất hiện nhiều điểm bán "hộp mù" và rất đông khách hàng đến tìm mua, chủ yếu là giới trẻ.

Giá cả của hộp mù nói chung dao động từ 15.000 đồng đến 4.000.000 đồng mỗi hộp, phân khúc phổ biến nhất của Baby Three là từ 250.000 - 500.000 đồng với đủ các loại mẫu mã. Những phân khúc khác từ 500.000 - 2.000.000 đồng cũng đã ghi nhận sức mua đáng kể, đặc biệt với những nhân vật hiếm hay bộ sưu tập được sản xuất theo mùa lễ hội.

Cơn sốt “hộp mù” trở lại trong giới trẻ sau Tết

Nhiều điểm bán "hộp mù" rất đông khách hàng đến tìm mua, chủ yếu là giới trẻ

Trên thực tế, những chú gấu bông có giá trị dao động từ 80.000 - 150.000 đồng nhưng khi được để trong hộp mù với thiết kế bắt mắt, giá thành có thể tăng lên gấp đôi, thậm chí là gấp 5 lần.

Khái niệm hộp mù hay hộp bí ẩn bắt nguồn từ Nhật Bản với tên gọi Fukubukuro - có nghĩa là túi may mắn. Ban đầu, chúng được các cửa hàng và siêu thị dùng để xả các sản phẩm bán ế. Người mua không biết họ sẽ nhận được gì khi mua những túi này, nhưng yếu tố bất ngờ cuối cùng lại chứng minh là có hiệu quả trong bán hàng. Điều này đã đẩy xu hướng tiêu dùng theo cảm xúc lên cơn sốt, khách hàng sẵn sàng chi tiền cho những mặt hàng đơn giản nhưng đắt đỏ, chỉ để thỏa mãn tâm lý tò mò hoặc đơn giản là đua trend (trào lưu).

Đi khắp các tuyến phố để tìm mua và bóc “hộp mù”, Nguyễn Tùng Linh (quận Ba Đình, TP Hà Nội) chốt mua thêm 10 món bổ sung vào bộ sưu tập đồ chơi của mình.

Chàng trai 27 tuổi thừa nhận đã "nghiện" cảm giác hồi hộp đoán món đồ bên trong và âm thanh xé túi dù mới biết đến hình thức giải trí này thời gian gần đây.

“Mình chủ yếu mua Baby Three. Những bộ sưu tập được sản xuất liên tục với nhiều mẫu mã khác nhau như động vật, trái cây, cung hoàng đạo... được tạo hình dễ thương, bắt mắt. Cả người mua và người bán không thể biết sản phẩm bên trong hộp, chỉ thấy đầy đủ bộ sưu tập qua hình vẽ bên ngoài vỏ hộp. Từ đó, người chơi sẽ lựa chọn nhân vật yêu thích và "thử vận may" bằng cách mở hộp.

Mình không nghĩ bản thân sẽ mua nhiều đến thế. Quan trọng là cảm giác hồi hộp khi bóc hộp xem có trúng nhân vật mình thích. Bóc nhiều lần khiến bản thân mình bị "nghiện", Tùng Linh cho biết, với những nhân vật không phải hiếm hay không như mong muốn, anh sẽ bán lại để tiết kiệm một phần chi phí cho lần trải nghiệm tiếp theo.

Cơn sốt “hộp mù” trở lại trong giới trẻ sau Tết

Một trong những nhân vật hiếm (mắt Dora) của hộp mù Baby Three

Giống như Tùng Linh, Hải An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ một lần vô tình xem video bóc "hộp mù" trên TikTok đợt Tết vừa rồi và bị cuốn hút. Ban đầu, anh tham gia chơi vài phiên livestream đoán vật phẩm trong hộp để nhận trúng thưởng nhưng sau đó đặt mua "hộp mù" về nhà tự xé. "Bóc hộp Baby Three, Migo rất thú vị và phấn khích bởi không biết mình sắp có món đồ chơi nào", anh nói.

Kể từ đó, mỗi dịp đi chời cùng bạn bè, nam nhân viên văn phòng chi 500.000 đến 1.000.000 đồng mua "túi mù" về xé để giải trí. Những món trùng nhau, anh trao đổi trên các hội, nhóm Facebook hoặc tặng người khác.

Cơn sốt “hộp mù” trở lại trong giới trẻ sau Tết

Nhiều người trẻ "đu trend" Baby Three càng làm món đồ chơi gây sốt sau dịp Tết Nguyên đán

Chị Nguyễn Hà Linh (quận Đống Đa, TP Hà Nội), người bán Baby Three trên nền tảng tiktok cho biết, một tháng chị có thể lãi từ 15 triệu đồng – 20 triệu đồng từ việc kinh doanh mặt hàng này.

“Baby Three đã gây sốt trong giới trẻ thời điểm cuối năm 2024, tuy nhiên sau dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, những món đồ chơi nhỏ này trở thành trào lưu được các bạn trẻ săn đón. Có những bạn không trúng được nhân vật yêu thích, liền sẵn sàng mua liên tục tới khi trúng thì thôi.

Chúng mình bán không ngơi tay hằng ngày, thậm chí có những dòng cháy hàng, phải đặt hàng trước từ hãng cả tuần mới có. Vì vậy giá Baby Three sau Tết trở nên cao hơn hẳn. Dù vậy các bạn vẫn sẵn sàng mua, thậm chí bỏ tiền triệu đến chục triệu để sở hữu mẫu đồ chơi yêu thích”, chị Hà Linh chia sẻ.

Muôn vàn hệ lụy

Dù biết chỉ là trò chơi tiêu khiển, giải trí nhưng khi một người trong nhà lỡ nghiện cũng sẽ kéo theo thành viên khác ít nhiều nghiện theo. Anh Văn Hiền (quận Ba Đình, TP Hà Nội) đang rất đau đầu, buồn phiền vì hai đứa con bị cuốn vào trò chơi xé túi mù. Anh Hiền chia sẻ, ban đầu là anh chị mua 1 -2 hộp để thay lì xì ngày Tết cho hai con. Về sau, hai bạn nhỏ đòi tiền để mua tiếp túi mù cho đủ bộ. “Mắt nước, mắt rưng, mẫu bí ẩn,… được bọn trẻ săn tìm và muốn bố mẹ mua thêm cho. Mỗi đơn hàng dao động từ 250.000 - 500.000 đồng, vợ chồng tôi làm văn phòng đâu có dư giả gì. Chưa kể chúng nhận quà về chất đầy trong phòng, toàn là gấu với thỏ, rất ám ảnh”, anh Hiền tâm sự.

Cơn sốt “hộp mù” trở lại trong giới trẻ sau Tết

Những nhân vật có đôi mắt long lanh, nhiều màu chính là "hàng hiếm" trong những bộ sưu tập hộp mù Baby Three

Không chỉ áp lực tài chính với các bậc cha mẹ khi có con tham gia vào trào lưu xé túi mù, mà những người trẻ là sinh viên, nhân viên văn phòng… cũng bị cuốn vào vòng xoáy của trò chơi, cạn tiền vì đu trend. Người trẻ chơi chỉ đang bỏ tiền ra mua cảm giác thỏa mãn cho sự tò mò của chính họ.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thuỳ Dương (Trung tâm tư vấn và trị liệu tâm lý Mindcare), xé túi mù như một trải nghiệm kích thích hệ thống thần kinh, giải phóng dopamine - chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác vui sướng và thỏa mãn. Giới trẻ ngày nay có tâm lý khát khao sở hữu. Việc có một món đồ độc đáo, bất ngờ thường mang lại cảm giác tự hào và khác biệt. Điều này đáp ứng nhu cầu được công nhận và khẳng định bản thân của giới trẻ.

Tuy nhiên, để tận hưởng thú vui này một cách lành mạnh, tránh rủi ro về tài chính, người tiêu dùng cần có sự cân nhắc và kiểm soát mức độ phù hợp, bởi suy cho cùng các sản phẩm này chủ yếu là tác dụng trưng bày, giải trí.

Cơn sốt “hộp mù” trở lại trong giới trẻ sau Tết

Ham muốn bóc hộp, xé túi là ước mơ của hàng triệu bạn trẻ "nghiện" hộp mù, túi mù.

“Đầu tiên, món đồ chơi kích thích trí tò mò và buộc họ phải phỏng đoán đoán món đồ bên trong. Khách hàng không biết được mình sẽ sở hữu gì cho đến khi xuống tiền mua. Hình thức này phù hợp với tâm lý của gen z - nhóm khách hàng luôn đón chờ trải nghiệm cái mới.

Chưa kể một vấn đề đáng lo ngại khác là sự xuất hiện của hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường túi mù. Với mức giá rẻ, đa phần túi mù đều được sản xuất với các nguyên vật liệu không rõ nguồn gốc. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, nhiều nhà sản xuất đã lợi dụng cơ hội này để sản xuất hàng giả, hàng nhái với chất lượng kém, gây tổn hại cho người tiêu dùng. Điều này không chỉ làm giảm niềm vui khi chơi túi mù mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe và an toàn”, chuyên gia tâm lý Lê Thuỳ Dương nhìn nhận.

Link bài gốc Copy link
 
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi