Tin hot

ĐBSCL một số tỉnh có nguy cơ dịch chồng dịch


Hiện nay, ở ĐBSCL dịch Covid-19 và dịch sốt xuất huyết đang có dấu hiệu tăng về số ca mắc, đặc biệt, một số địa phương cả hai dịch này đang diễn biến phức tạp, nguy cơ về tình trạng dịch chồng dịch đang hiện hữu nếu không được ngăn chặn kịp thời.

Vĩnh Long đối phó với nguy cơ dịch chồng dịch

Những ngày gần đây, dịch bệnh sốt xuất huyết ở Vĩnh Long tăng liên tục, đã có 2 trường hợp tử vong. Huyện Tam Bình là một trong những địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh trong thời gian gần đây. Tính từ đầu năm đến nay huyện có khoảng 200 ca mắc, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Ngành Y tế triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

BS Bùi Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Bình cho biết, nguyên nhân dẫn đến bệnh tăng cao là do một bộ phận người dân chưa có ý thức về phòng chống sốt xuất huyết, vệ sinh xung quanh nhà cửa, công tác diệt lăng quăng, các dụng cụ chứa nước vẫn còn nhiều. Một số gia đình khi cán bộ đến phun thuốc diệt muỗi thì không đồng ý phải nhờ chính quyền địa phương vận động mới đồng ý.

 

 Cán bộ y tế ra quân diệt muỗi và lăng quăng.

Từ đầu năm đến nay, Vĩnh Long ghi nhận hơn 1.500 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có gần 40 ca bệnh nặng và 2 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc cao gấp 4 lần và tăng 2 trường hợp tử vong. Toàn tỉnh phát hiện 283 ổ dịch sốt xuất huyết, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất, ngành Y tế Vĩnh Long đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Khi có triệu chứng sốt cao liên tục nhiều ngày, phát ban, đau cơ và khớp cần phải đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để chẩn đoán đúng cách. Không tự ý điều trị bằng thuốc giảm đau, hạ sốt dẫn đến việc bị biến chứng nặng.

Song song với sốt xuất huyết, dịch bệnh Covid-19 tại Vĩnh Long cũng đang có xu hướng tăng trở lại. Theo thông tin từ Sở Y tế, khoảng 1 tháng gần đây, tỉnh ghi nhận số ca mắc cộng đồng. Đặc biệt, trong 14 ngày qua, tỉnh ghi nhận 53 ca mắc, trung bình 4 ca/ngày, có ngày ghi nhận hơn 10 ca mắc. Số ca mắc được ghi nhận gần đây là do biến chủng BA.2 đang lưu hành trong cộng đồng.

 

 Vĩnh Long tăng cường tiêm vaccine cho trẻ em để phòng ngừa dịch bệnh (Ảnh: VOV).

Trước số ca dịch Covid-19 có xu hướng tăng, công tác tuyên truyền vận động người dân đi tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 cũng được tăng cường. Từ đó tỷ lệ người dân đi tiêm vaccine phòng ngừa dịch bệnh cũng được nâng lên. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân địa phương còn chủ quan lơ là khi thấy dịch bệnh đã được kiểm soát nên không muốn đi tiêm vaccine nữa. Điều này đã gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh ở địa phương.

Bà Hồ Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện nay dịch chồng dịch cũng có thể xảy ra. Tuy nhiên đã có nhiều kiến thức về phòng chống dịch bệnh Covid-19, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, chúng ta biết đường lây, biết cách phòng ngừa để hạn chế. Người dân cũng nên tập thói quen mà chúng ta đã từng làm như đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, xử lý môi trường xung quanh nhà để loăng quăng và muỗi không phát triển. Tôi nghĩ rằng chúng ta dễ dàng phòng bệnh, không quá hoang mang và lo lắng.

Tiền Giang dịch sốt xuất huyết tăng mạnh

Dù công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết đã được các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân tỉnh Tiền Giang quan tâm, nhưng đến nay, tỉnh Tiền Giang đã ghi nhận hơn 3.600 ca bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt, gần đây, số ca mắc liên tục tăng, điển hình như tuần 31 toàn tỉnh có 321 ca mắc, tăng rất cao so với tuần cùng kỳ năm ngoái. Hiện 11/11 huyện, thị, thành trong tỉnh đều có số ca mắc cao. Đáng quan tâm là tại huyện Cái Bè có đến hơn 1.000 ca, kế đến huyện Châu Thành hơn 600 ca, huyện Cai Lậy trên 500 ca.

 
 Khám bệnh cho trẻ em tầm soát bệnh sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy, Tiền Giang, (Ảnh: VOV).

Tỉnh Tiền Giang đã có 4 ca bệnh sốt xuất huyết đã tử vong (trong đó huyện Cái Bè có 2 ca, Thị xã Cai Lậy và huyện Chợ Gạo mỗi nơi có 01 ca). Trước tình hình bùng phát dịch sốt xuất huyết, ngành Y tế Tiền Giang khuyến cáo, cán bộ, công chức, viên chức và người dân hằng tuần dành thời gian thực hiện những biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết thật cụ thể; trong đó chú trọng công tác diệt loăng quăng, diệt muỗi, tiêu hủy các vật dụng chứa nước mưa, phát hoang bụi rậm, vệ sinh môi trường không tạo môi trường cho lăng quăng sinh sôi và muỗi trú ẩn.

Cùng với đó, các địa phương cần huy động cả hệ thống chính trị cùng phòng chống dịch; triển khai chiến dịch diệt lăng quăng ở tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và khu vực có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát. Khi người dân có biểu hiện bệnh sốt xuất huyết phải khẩn trương đến khám, điều trị tại cơ sở y tế, tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.

Không chỉ số ca dịch sốt xuất huyết tăng mà số ca mắc dịch Covid-19 tại tỉnh này cũng có dấu hiệu gia tăng. Qua test nhanh tuần qua, tỉnh Tiền Giang phát hiện hơn 200 ca mắc Covid-19, tăng 93 ca so với tuần trước đó. Đặc biệt, ngành Y tế vừa phát hiện thêm 1 trường hợp nhiễm biến thể BA.05 của chủng vi rút Omicron nhập cảnh từ Thụy sĩ. Như vậy, Tiền Giang đã có 2 trường hợp nhiễm biến thể BA.05.

Để phòng, chống dịch Covid-19 ngành Y tế Tiền Giang khuyến cáo mọi người dân cần nghiêm túc thực hiện 5K, đẩy nhanh công tác tiêm phòng vaccine. Đến nay, tỉnh đã tiêm hơn 4 triệu liều vaccine cho người 18 tuổi trở lên (mũi 1: 100,9%; mũi 2: 98,4%; mũi bổ sung: 8,2%; mũi 3: 75,9%; mũi 4: 16%). Trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm phòng mũi 1 đạt hơn 100%; mũi 2: 96,7%; mũi 3: 58,6%). Trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm mũi 1 đạt 77,9%; mũi 2 đạt 56,4%).

 

 Các địa phương trong tỉnh Tiền Giang tăng cường tiêm phòng vaccine để phòng bệnh Covid-19.

Ông Ngô Tấn Lâm, 70 tuổi tại xã Tam Bình, huyện Cai Lậy cho biết, để phòng bệnh tôi vận động cả gia đình đều đã tiêm mũi 4 vaccine, sức khỏe rất ổn định. Bây giờ Nhà nước khuyến khích tiêm vaccine, nhưng có dư luận trái chiều tôi không đồng tình cái đó. Tôi tiêm ngừa sức khỏe hiện nay bình thường. Người dân hiện nay nên đi tiêm phòng để bảo vệ sức khỏe của mình.

Kiên Giang đẩy nhanh tiêm vaccine Covid-19

Khoảng 1 tháng gần đây, tỉnh Kiên Giang ghi nhận 338 ca mắc Covic-19 mới, bình quân mỗi ngày phát hiện 11 ca mới, không ca có tử vong. Trong đó, có 29 ca nhiễm biến chủng BA.2, 6 trường hợp nhiễm biến chủng BA.5.

Những địa phương ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng BA.5 là huyện An Biên, Phú Quốc, Tân Hiệp, Giồng Riềng, Kiên Hải. Hầu hết các trường hợp mắc gần đây đều là thể nhẹ, ít triệu chứng, được quản lý, điều trị tại nhà. Tính đến ngày 8/8, Kiên Giang đã triển khai tiêm được hơn 4.134.000 liều vaccine phòng Covid-19 với tổng số điểm tiêm chủng toàn tỉnh là 155 điểm. Tỉnh đã hoàn thành tiêm đủ mũi cơ bản cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên, tiến độ tiêm mũi nhắc lại cho các nhóm đối tượng đang được chỉ đạo quyết liệt.  

Ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh nhận định tình hình dịch Covid-19 nhiều khả năng diễn biến phức tạp, khó lường, khó định đoán, nhiều biến chủng mới xuất hiện.

 

 Kiên Giang đẩy mạnh tiến độ tiêm vaccine Covid-19 trong cộng đồng.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, đẩy mạnh thần tốc hơn nữa việc tiêm vaccine; Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, hoàn thành tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022, mũi 4 cho các đối tượng cần tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và dập dịch sốt xuất huyết, không để hình thành ổ dịch mới. Trong tháng 8 này phải thực hiện mục tiêu tiêm đủ mũi vaccine thứ 3, thứ 4 cho các đối tượng cần tiêm, mũi thứ 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Ông Bình nhấn mạnh, tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong những tháng cuối năm nhằm tạo  ổn định tình hình, góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Quyết tâm chính trị cao nhất là không chủ quan, lơ là, dứt khoát không để dịch bùng phát trở lại. Cơ quan, đơn vị địa phương nào để dịch bùng phát trở lại thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chịu trách nhiệm với Đảng bộ và Tỉnh ủy.

Tác giả: Hoàng Văn (tổng hợp)
Tìm kiếm chúng tôi