“3 bám, 4 cùng”
Gần hai năm kể từ ngày được Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk hỗ trợ mô hình sinh kế “nuôi heo rừng lai”, vợ chồng chị H’Nghĩa Mlô (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) đã tìm được niềm vui và hy vọng mới trong cuộc sống.
Gia đình chị H’Nghĩa Mlô thuộc diện khó khăn trong buôn. Để có thêm kinh phí trang trải cuộc sống, chồng chị từng phải dùng súng tự chế để vào rừng săn bắn. Nắm bắt được hoàn cảnh, các cán bộ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk đã kịp thời đến nhà tuyên truyền, vận động gia đình tự nguyện giao nộp vũ khí, đồng thời hỗ trợ mô hình sinh kế phù hợp bằng một cặp heo rừng lai. Chị H’Nghĩa Mlô kể: “Từ 2 con giống ban đầu, nay gia đình đã phát triển thành 5 con, trong đó có 3 con chuẩn bị đẻ, hứa hẹn sẽ giúp gia đình mở rộng quy mô chuồng để có thêm kinh phí trang trải cuộc sống”.
![]() |
Cán bộ biên phòng thăm hỏi người dân vùng biên. |
Là người trực tiếp sâu sát, định hướng phát triển kinh tế gia đình chị H'Nghĩa, Đại úy Y Hán Hwing, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng cùng đồng đội thường xuyên đến thăm hỏi, hướng dẫn thêm cho gia đình kỹ thuật chăm sóc, vệ sinh chuồng trại. Đại úy Y Hán cho hay, không riêng gia đình chị H’Nghĩa, với phương châm “3 bám, 4 cùng”, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân, giúp nhân dân làm lúa nước, gieo sạ kịp thời vụ, chăm sóc gia súc, gia cầm, phòng, chống dịch bệnh. Bộ đội cùng dân triển khai khá nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả.
Bên cạnh việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế gia đình, người lính quân hàm xanh còn đặc biệt quan tâm đến tương lai thế hệ trẻ nơi biên ải. Theo Trung tá Nguyễn Văn Kiều, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, đơn vị luôn dành sự chăm lo đặc biệt cho trẻ em trong độ tuổi đến trường. Năm nay, Đồn tiếp tục kèm cặp, theo dõi, giúp đỡ 12 học sinh có hoàn cảnh khó khăn theo chương trình “Nâng bước em đến trường”; chăm sóc 1 cháu theo mô hình "Con nuôi đồn biên phòng"; phối hợp với Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng tỉnh kèm cặp, giúp đỡ 1 cháu trong mô hình “Mẹ đỡ đầu”; thường xuyên nắm tình hình học tập của 115 học sinh trong dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường”.
Giúp dân an cư
Nơi vùng biên, người lính biên phòng còn đồng hành, trực tiếp xắn tay giúp người dân vùng biên "an cư lạc nghiệp".
Gần một năm sống trong ngôi nhà mới cải tạo, vợ chồng bà Trần Thị Kim Liên (thôn 6, xã Ia Rvê, huyện Ea Súp) rất an tâm mỗi khi mưa gió trở trời. Bà kể, năm 2004 vợ chồng bà rời Bến Tre lên biên giới Đắk Lắk lập nghiệp nhưng đất đai cằn cỗi, lại đau ốm thường xuyên, cuộc sống rất khó khăn. Căn nhà đã xuống cấp nhưng không đủ kinh phí cải tạo.
![]() |
Bộ đội biên phòng hỗ trợ ngày công giúp dân xây dựng các công trình. |
Khi có kinh phí 70 triệu đồng của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ gia đình bà cải tạo nhà, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia R'vê giúp thêm ngày công, hướng dẫn chọn vật tư, hỗ trợ thêm bê tông để đổ sân, cổng. Bà Liên vui mừng: “Cả hai người con của chúng tôi đều được Đồn Biên phòng Ia Rvê nhận đỡ đầu, nay cháu lớn đã sắp tốt nghiệp đại học”.
Niềm vui nhà mới cũng vừa đến với gia đình ông Vũ Văn Đoan (thôn 4, xã Ia Rvê). Vợ chồng ông thuộc diện hộ nghèo, căn nhà cũ trước đây đã mục nát, xuống cấp nghiêm trọng. Chung tay giúp gia đình an cư, ngoài kinh phí hỗ trợ của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đồn Biên phòng Ia R'vê đã phân công Thiếu tá Hoàng Văn Thọ (nhân viên của Đội Vận động quần chúng) thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng thi công; nắm bắt những khó khăn của gia đình để báo cáo đơn vị có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời về ngày công xây dựng. Nhờ đó, chỉ sau hơn hai tháng, căn nhà mới đã hoàn thành với tổng diện tích gần 65 m2.
Từ năm 2024 đến nay, bộ đội biên phòng đã vận động công ty, doanh nghiệp và nguồn lực của đơn vị hỗ trợ 17 căn nhà Mái ấm biên cương, nhà Đại đoàn kết quân - dân, nhà Đồng đội, góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho các gia đình khó khăn nơi biên giới.
Quỳnh Anh