Tin hot

Đồng bộ hóa quy định pháp luật liên quan đến nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu


Tiếp tục phiên họp thứ 8, ngày 16/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng bộ hóa các quy định của pháp luật liên quan đến nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu - Ảnh 1.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh báo cáo tại phiên họp.

Trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự thảo Nghị quyết gồm 6 điều, trong đó giữ nguyên 3 điều (Điều 3, Điều 4 và Điều 5); sửa đổi, bổ sung nội dung ở 2 điều (Điều 1, 2), chỉnh lý 1 điều (Điều 6) về mặt kỹ thuật cho phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về vị trí, chức năng của Ban Công tác đại biểu, quy định tại Nghị quyết 575/UBTVQH12 chưa thể hiện hết vị trí, chức năng của Ban Công tác đại biểu, do vậy, dự thảo nghị quyết bổ sung một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua. Theo đó, Ban Công tác đại biểu là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu Quốc hội, tổ chức bộ máy và nhân sự, công tác HĐND, công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Công tác đại biểu, nội dung sửa đổi, bổ sung đã  lược bỏ những nhiệm vụ đã được điều chuyển cho Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội; bổ sung một số nhiệm vụ đã được giao thực hiện và nhiệm vụ mới theo yêu cầu đổi mới về tổ chức, hoạt động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trong giai đoạn mới,

Bà Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh nội dung sửa đổi, bổ sung đã được thể hiện chi tiết trong dự thảo Nghị quyết nhằm đồng bộ hóa các quy định của pháp luật liên quan đến nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu; phân định rõ hơn nhiệm vụ giữa Ban Công tác đại biểu với các cơ quan khác khi thực hiện chung một số nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết để tiếp tục phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được trong tổ chức và hoạt động của Ban Công tác đại biểu trong thời gian qua, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 575/UBTVQH12 cần bảo đảm các nguyên tắc cơ bản. Đó là cần đánh giá, tổng kết thực tiễn một cách sâu sắc, toàn diện về tổ chức và hoạt động của Ban Công tác đại biểu thời gian qua, tiếp tục kế thừa những quy định còn phù hợp, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định có bất cập, chưa rõ, chưa phù hợp, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động của Ban trong tình hình mới. Cần rà soát kỹ các quy định của Đảng và pháp luật có liên quan về những nội dung thuộc phạm vi phụ trách của Ban Công tác đại biểu. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu phải đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức, hoạt động của Ban trong tình hình mới, đặt trong tổng thể đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội nói chung và đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết xây dựng và ban hành Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu thay thế Nghị quyết số 575/UBTVQH12 ngày 31/1/2008. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần xác định rõ mối quan hệ giữa Ban Công tác đại biểu với các cơ quan khác, nhằm tránh trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, nhất là trong công tác cán bộ.

Kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh Ban Công tác đại biểu cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan xác định rõ phạm vi, nguyên tắc, nội dung cần thể hiện để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh trùng lắp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn giao Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Ban Công tác đại biểu tiếp thu các ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, bảo đảm chất lượng, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp tháng 3 tới./.

Nguyễn Hoàng

 

Tìm kiếm chúng tôi