Tin hot

Hà Nội nhận Giải thưởng Thành phố hấp dẫn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo


Sáng ngày 30/11, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức lễ vinh danh và trao Giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam 2023 lần thứ IV.

Giải thưởng được tổ chức thường niên từ năm 2020 nhằm tôn vinh, khích lệ các tỉnh, thành phố, đơn vị đầu tư bất động sản, bất động sản công nghiệp, doanh nghiệp công nghệ với những giải pháp giúp các đô thị phát triển thông minh hơn, bền vững hơn, mang lại tiện ích cho người dân, đồng thời kết nối cung cầu, hợp tác trong xây dựng những mô hình kiểu mẫu phù hợp để đẩy nhanh xây dựng và phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam.

Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động thúc đẩy xây dựng và phát triển thành phố thông minh do VINASA tổ chức.

Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2023 được phát động từ ngày 20/7/2023. Sau gần 3 tháng triển khai, giải thưởng đã nhận được 100 đề cử. Qua 3 vòng đánh giá sơ tuyển, thuyết trình và chung tuyển, Hội đồng với 20 chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực: Quy hoạch, kiến trúc, công nghệ, quản lý nhà nước… đã đánh giá và lựa chọn trao 32 giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam 2023. Trong đó có 7 giải thưởng cho 4 đơn vị quản lý đô thị; 1 giải thưởng dành cho bất động sản công nghiệp; 24 giải thưởng dành cho các dịch vụ, giải pháp công nghệ xuất sắc.

Hà Nội nhận Giải thưởng Thành phố hấp dẫn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo
Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng nhận giải thưởng “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”.

Thủ đô Hà Nội đã nhận giải thưởng “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”. Ngoài ra còn có 6 giải thưởng khác thuộc về các địa phương: Đà Nẵng (4 giải), thành phố Hồ Chí Minh và Tây Ninh.

Theo VINASA, Việt Nam đã có 48/63 tỉnh, thành phố triển khai đề án phát triển đô thị thông minh. Trong đó, hơn 40 địa phương đã triển khai IOC (trung tâm điều hành thông minh) cấp tỉnh và gần 100 IOC cấp huyện. Các đô thị hiện tại triển khai phát triển hệ thống IOC và các tiện ích đô thị thông minh, dịch vụ thông minh, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông (giám sát trật tự, an toàn giao thông), y tế thông minh, giáo dục thông minh, phát triển các ứng dụng cảnh báo.

Đánh giá về triển khai thông minh tại các đô thị, VINASA cho biết, Hà Nội, đã đưa cụm từ "thông minh" vào trong Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Dữ liệu được xem là nguồn tài nguyên mới. Tháng 7/2023, Hà Nội đã ban hành danh mục dữ liệu mở. Các dữ liệu chuyên ngành sẽ được triển khai, chia sẻ trong nội bộ cơ quan nhà nước và công dân, tổ chức trong thời gian tới. Hà Nội cũng đang tập trung triển khai hạ tầng số và Trung tâm dữ liệu để sớm đưa vào khai thác, sử dụng trong quý IV/2023.

TP. Hồ Chí Minh là địa phương đứng đầu cả nước về phát triển hạ tầng số và thể chế số; đã triển khai và tích hợp dữ liệu các hệ thống thoát nước, chiếu sáng đô thị, công viên cây xanh, xử lý nước thải, dữ liệu hạ tầng giao thông, dữ liệu điện lực, cấp nước, bản đồ địa chính, địa hình, quy hoạch đô thị về kho dữ liệu dùng chung. Cổng dữ liệu của thành phố và cổng dữ liệu mở sẽ được triển khai, chia sẻ để người dân, doanh nghiệp cùng khai thác và sử dụng trong thời gian tới.

Hà Nội nhận Giải thưởng Thành phố hấp dẫn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo
Đại diện các tỉnh, thành nhận giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam 2023.

Đà Nẵng coi dữ liệu số là "huyết mạch" để xây dựng thành phố thông minh. Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng trực tiếp chỉ đạo xây dựng hạ tầng dữ liệu thống nhất và tập trung. Trung tâm IOC thế hệ mới của thành phố đóng vai trò là đầu mối thu thập thông tin, dữ liệu từ các quận, huyện, chuyên ngành và các ứng dụng, hệ thống của các cơ quan, đơn vị, cộng đồng…; phân tích, đưa ra số liệu tổng hợp để lãnh đạo có thông tin chỉ đạo, điều hành; chia sẻ thông tin cho các cơ quan liên quan, phục vụ quản lý nhà nước; công khai, minh bạch cho người dân, doanh nghiệp, phục vụ chính quyền đô thị. Đến nay, thành phố đã cung cấp gần 1.000 tập dữ liệu trên Cổng Dữ liệu mở thành phố (tăng 400 tập dữ liệu so với cuối năm 2022), tích hợp, chia sẻ gần 100 tập dữ liệu từ Cổng Dữ liệu mở thành phố lên Cổng Dữ liệu quốc gia.

Tây Ninh đã xây dựng mô hình trung tâm xử lý điều hành thông tin tập trung, đa nhiệm - IOC thế hệ mới, với 3 tầng hệ thống: Thu thập thông tin dữ liệu; phân tích xử lý dữ liệu, hỗ trợ quản lý điều hành; và phân phối, khai thác dữ liệu cho các cấp quản lý, người dân và doanh nghiệp. Hệ thống tích hợp bộ chỉ tiêu 15 ngành trong đó 4 bộ chỉ tiêu có hỗ trợ cảnh báo tự động.

Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao 01 giải thưởng giành cho Bất động sản công nghiệp, và 24 giải thưởng đối với hạng mục gồm các dịch vụ, giải pháp công nghệ xuất sắc, nhằm vinh danh các doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với những ứng dụng, sản phẩm số xuất sắc, góp phần vào quá trình chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam.

Nổi bật trong số này, nền tảng Beca Smart City của Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam – thành viên Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex IDC) đã nhận Xếp hạng 5 sao từ Ban tổ chức trong lĩnh vực Giải pháp quản lý, điều hành đô thị thông minh (IOC).

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng năm 2022, sau 5 năm triển khai Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030, Việt Nam đã có 48/63 tỉnh, thành phố đang triển khai đề án phát triển đô thị thông minh, hơn 40 địa phương đã triển khai IOC cấp tỉnh, và gần 100 IOC cấp huyện.

Các đô thị hiện tại triển khai phát triển hệ thống IOC và các tiện ích đô thị thông minh, dịch vụ thông minh, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực giao thông (giám sát trật tự, an toàn giao thông), y tế thông minh, giáo dục thông minh, phát triển các ứng dụng cảnh báo.

 
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi