Tin hot

Thủy sản: Mũi nhọn đưa kinh tế biển Cà Mau phát triển


Với lợi thế địa lý thiên nhiên ưu đãi, bờ biển trải dài 254km với ba mặt giáp biển Đông, nên nhiều năm qua Cà Mau đã phát triển mạnh kinh tế thủy sản. Hướng đến những năm tới, tỉnh đang phấn đấu trở thành địa phương tăng trưởng khá từ phát huy "địa lợi" này.

Liên tục nhiều năm đạt 1 tỷ USD

Trong nhiều năm qua, nhất là những năm gần đây, Cà Mau luôn là địa phương nổi bật trong xuất khẩu ngành thủy sản cả nước với kim ngạch luôn duy trì trên 1 tỷ USD. Năm 2022, mặc dù ngành thủy sản Việt Nam đối mặt với không ít khó khăn, có thể kể đến như biến động thị trường do ảnh hưởng dịch bệnh hay xung đột vũ trang trên thế giới, lạm phát giá trong nước và ở các thị trường, chi phí sản xuất và kinh doanh tăng mạnh, biến động tỷ giá ngoại tệ…

Nhưng ngành thủy sản của tỉnh Cà Mau vẫn vững vàng vượt qua thách thức khi kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,08 tỷ USD (số liệu của Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau). Như vậy, đây đã là năm thứ 3 liên tiếp, tỉnh Cà Mau đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 1 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào kết quả lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước vượt 10 tỷ USD. 

Cửa Sông Ông Đốc có vị trí chiến lược trong nền kinh tế biển Cà Mau (Hoàng Nam)

Cửa Sông Ông Đốc có vị trí chiến lược trong nền kinh tế biển Cà Mau (Hoàng Nam)

Thời cơ

Nằm trong khu vực có các dòng hải lưu mang theo nhiều sinh vật phù du và kéo theo đó là nguồn hải sản dồi dào. Ngư trường Cà Mau có thềm lục địa khá nông, nguồn thuỷ hải sản đa dạng về loài, có nhiều loài có giá trị kinh tế cao, điều kiện khí hậu thuỷ văn ổn định thời tiết tạo thuận lợi cho sự hoạt động của các loài thuỷ hải sản.

Ngoài ra còn có nhiều cửa sông và bãi triều tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho ngư dân đánh bắt hải sản. với đội tàu khai thác thuỷ sản lên đến hơn 4.000 chiếc bao gồm cả các tàu khai thác xa bờ, nhờ đó mà số lượng khai thác được hàng năm đạt đến con số hàng trăm nghìn tấn. 

Phát huy tiềm năng, tăng trưởng kinh tế.

Theo Quyết định số 1386/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ngày 17/11/2023, thủy sản vẫn sẽ là lĩnh vực mũi nhọn của kinh tế Cà Mau.

Theo kế hoạch đã được phê duyệt, quy mô GRDP năm 2030 sẽ gấp 2-2,5 lần so với năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt trên 7,5%/năm.

 
 

Bờ biển dài hơn 250 km với đội tàu cá hàng nghìn chiếc, kinh tế biển Cà Mau đang có nhiều tiềm năng lợi thế phát triển lâu dài.

Để phát huy thế mạnh của ngành thủy sản, tiếp tục thu về hàng tỷ USD cho tỉnh mỗi năm, Cà Mau tập trung xây dựng ngành này phát triển theo kịp xu thế nền kinh tế. Theo đó, tỉnh sẽ xây dựng các ngành ngư, nông, lâm nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp sinh thái hữu cơ.

Ngoài ra, Cà Mau còn xây dựng và vận hành trung tâm đầu mối gắn với vùng nguyên liệu về thủy sản góp phần đẩy mạnh sản xuất, chế biến, phát triển chuỗi giá trị về thủy sản. Mặt khác, sẽ tổ chức, sắp xếp không gian phát triển ngư, nông, lâm nghiệp theo 3 vùng: vùng Bắc Cà Mau, vùng Nam Cà Mau, vùng ven biển và hải đảo. Trong số đó, giữ gìn và bảo vệ hệ sinh thái ngọt ở huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh.

Qua đó, xây dựng và phát triển tỉnh Cà Mau trở thành một trung tâm kinh tế biển của cả nước; đầu tư xây dựng Cảng biển Tổng hợp Hòn Khoai, Khu Kinh tế Năm Căn, Cảng sông Ông Đốc gắn với phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển; phát triển nuôi biển công nghệ cao, hiệu quả và bền vững; ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm biển.

Kế hoạch còn chỉ rõ: “Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; phát triển và quản lý bền vững kinh tế biển theo phương thức tổng hợp, quản trị biển dựa vào không gian, liên ngành với sự tham gia của các cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.”

Ông Lê Văn Sử, Phó Chu tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết:

“Thủy sản đang là mũi nhọn của kinh tế biển Cà Mau, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt gần 156.000 tấn, tăng hơn 1,% so với cùng kỳ. Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt gần 270.000 tấn, tăng gần 6,5% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng tôm 158.000 tấn. Cho thấy, năm 2023 Cà Mau vẫn sẽ duy trì là tỉnh liên tục nhiều năm kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 1 tỷ USD.”

 

Nguồn:kinhtedothi.vn Copy link
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi