Tin hot

Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Công tác dân vận góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội


Những kết quả đạt được trong công tác dân vận tại huyện Đan Phượng (Hà Nội) góp phần quan trọng xậy dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thu hút đông đảo Nhân dân

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng vị trí, vai trò và khẳng định tầm quan trọng của dân vận và công tác dân vận.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong", "Dân vận kém thì việc gì cũng kém, Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công".

Đồng chí Đỗ Anh Tuấn (UV BTV, Trưởng Ban dân vận Thành uỷ) dự Tết trồng cây tại Đan Phượng
Đồng chí Đỗ Anh Tuấn, Trưởng Ban Dân vận Thành uỷ Hà Nội dự Tết trồng cây tại Đan Phượng

Đối với công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay, Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa XI) nhấn mạnh: "Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân".

Thực tế, những năm qua, công tác dân vận của Đảng, của hệ thống chính trị luôn được chú trọng và tiếp tục có nhiều đổi mới quan trọng. Nhờ đó, quan điểm dân là gốc, là chủ thể của công cuộc đổi mới được nhận thức và thực hiện ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn; mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân ngày càng được củng cố, tăng cường.

ồng chí Đinh Văn Khoá, Phó Ban Dân vận Thành uỷ Hà Nội
Đồng chí Đinh Văn Khoá, Phó Ban Dân vận Thành uỷ Hà Nội trao giải tại chung khảo Hội thi "Dân vận khéo" huyện Đan Phượng năm 2024.

Hoà chung dòng chảy ấy, tại huyện Đan Phượng, phong trào thi đua "Dân vận khéo" trên địa bàn huyện đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ dạo, triển khai thực hiện và đạt dược những kết quả quan trọng.

Đồng chí Lê Văn Thìn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đan Phượng cho biết, công tác dân vận tại địa phương được đánh giá là hiệu quả, thiết thực với nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đặc biệt, nhiều mô hình, điển hình dân vận khéo với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đã tạo sự đồng thuận cao, được đông đảo các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia.

Từ đó, công tác dân vận góp phần quan trọng phát huy quyền làm chủ, sự chủ động, tích cực của Nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đồng thời, công tác dân vận ghi dấu ấn trong việc thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, góp phần hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiêu mẫu; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Kết quả đáng khích lệ

Theo đánh giá chung, công tác dân vận tại Đan Phượng đã đạt các thành tựu đáng chú ý trong việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở.

Cụ thể, ngay từ đầu năm 2024, các xã, thị trấn tại Đan Phượng đã chủ động, kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, gắn việc thực hiện QCDC với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn.

Huyện Đan Phượng: Công tác dân vận góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội
Công tác dân vận đã thu hút đông đảo Nhân dân tham gia

Việc niêm yết công khai tại bộ phận "Một cửa" bộ thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực theo quy định của UBND thành phố. Công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo kịp thời, rõ ràng, minh bạch, đúng thời gian quy định. Các cơ quan hành chính Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn huyện đã thực hiện công khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, 100% các cơ quan hành chính Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp đã tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, nội dung các hội nghị đảm bảo đúng theo quy định của Nghị định 04/2015/NĐ-CP, ngày 9/1/2015 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, công tác dân vận phát huy hiệu quả về việc giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn huyện.

Huyện Đan Phượng: Công tác dân vận góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội
Nhờ kết quả của công tác dân vận, phong trào thi đua yêu nước tại Đan Phượng nở rộ, tạo ra những kết quả tích cực.

Ngoài ra, tại Đan Phượng, việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp đối với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân được thực hiện từ huyện đến cơ sở. Kết quả, trong năm 2023 đã tổ chức 37 hội nghị đối thoại định kỳ, đột xuất với 4.137 lượt người dự, với tổng số 303 lượt ý kiến. Trong đó, các đại biểu đã trả lời trực tiếp tại hội nghị là hàng trăm lượt, trả lời bằng văn bản là 42 ý kiến.

Không những thế, thời gian vừa qua, huyện Đan Phượng tổ chức nhiều cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền huyện với Nhân dân. Kết quả là 16/16 xã, thị trấn đã tổ chức các hội nghị đối thoại định kỳ, đột xuất; nội dung đối thoại chủ yếu liên quan về chính sách giải phóng mặt bằng, xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đáng chú ý, huyện Đan Phượng đã tổ chức 1 hội nghị đối thoại trực tiếp giữa đồng chí Trần Đức Hải, Bí thư Huyện ủy, với đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện.

Tựu chung, đa số người dân tại Đan Phượng đánh giá các hội nghị đối thoại đều thể hiện rõ tinh thần dân chủ, cởi mở, chân thành. MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân được bày tỏ tâm tư nguyện vọng, phản ánh, kiến nghị với tinh thần thẳng thắn và có trách nhiệm với cấp ủy, chính quyền địa phương, qua đó tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.

 

 
Link bài gốc Copy link
 
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi