Việc giám sát công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được thực hiện nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời phát hiện những bất cập, hạn chế yếu kém để kiến nghị sửa đổi bổ sung chính sách quy định của pháp luật cho phù hợp góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại tỉnh nhà.
Đoàn giám sát công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm của UBMTTQ Việt Nam tỉnh Lai Châu làm việc tại Sở Y tế tỉnh Lai Châu. (Ảnh: Chi cục ATVSTP tỉnh Lai Châu)
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đã nghe đại diện Sở Y tế tỉnh Lai Châu báo cáo những kết quả đã đạt được trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đồng thời đề xuất, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc và giải pháp trong quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý về quản lý nhà nước đối với an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Lê Bá Thành - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lai Châu, Trưởng đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao kết quả thực hiện về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tại Sở Y tế tỉnh Lai Châu. Đồng thời, đề nghị Sở Y tế tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ, chú trọng phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lai Châu Lê Bá Thành cũng lưu ý, cần công khai rộng rãi các cơ sở vi phạm về đảm bảo an toàn thực phẩm; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra đặc biệt thanh kiểm tra đột xuất các cơ sở...
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 27 chợ, 3 siêu thị và trên 6.000 cơ sở kinh doanh thương mại đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Hoạt động phân phối thực phẩm luôn được Ban quản lý chợ, chủ các cơ sở kinh doanh tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định kinh doanh nói chung và an toàn thực phẩm nói riêng. |
Bích Phương