Tin hot

Nghệ An: 7 nhóm giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt


UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2021-2025.

Thanh toán tiền thuốc bằng hình thức quét mã QR tại một cơ sở dược ở thành phố Vinh. Ảnh: Thanh Phúc

Theo đó, kế hoạch đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; phấn đấu 90-100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; từ 90-100% các trường đại học và cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Để thực hiện các mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đưa ra 7 nhóm giải pháp để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025. 

Cụ thể, UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện kịp thời các cơ chế, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn; tiếp tục đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt. 

Hướng dẫn người dân nộp tiền điện thông qua hình thức chuyển khoản. Ảnh: Thanh Phúc

Tập trung nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0; Đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ hành chính công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán; Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường phối hợp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. 

Theo đó, các đơn vị cung ứng dịch vụ công (bao gồm các cơ sở y tế, giáo dục) xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu để kết nối, chia sẻ thông tin với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán để phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh triển khai kết nối và cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công và hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh.

Khuyến khích các trường học, bệnh viện, công ty điện, nước, vệ sinh môi trường, viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện nay, rất nhiều người dân lựa chọn thanh toán qua hình thức chuyển khoản, quét mã QR... thay cho tiền mặt. Ảnh: Thanh Phúc

Đồng thời, tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan để kịp thời phát hiện, phòng ngừa, điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thanh toán; chia sẻ thông tin về tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trong hoạt động thanh toán để kịp thời cảnh báo, khuyến nghị với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, người sử dụng dịch vụ nhằm ngăn chặn, phòng ngừa nguy cơ lợi dụng hoạt động thanh toán cho các hoạt động bất hợp pháp. 

Tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, chính quyền các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức liên quan khác để thông tin, tuyên truyền về lợi ích, tiện lợi của thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử trong dân cư, cơ quan, chính quyền và khu vực dịch vụ hành chính công.

Các sở, ngành tăng cường phối hợp để đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là trong việc thu, nộp ngân sách nhà nước, kiểm tra, giám sát dịch vụ Mobile - Money, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán điện tử, trung gian thanh toán, quản lý, giám sát hoạt động thanh toán xuyên biên giới. 

Thanh toán không dùng tiền mặt sẽ đem lại nhiều tiện ích so với thanh toán sử dụng tiền mặt. Ảnh: Thanh Phúc

Cùng với đó, rà soát, đề xuất các giải pháp cụ thể hoàn thiện pháp luật về dân sự, hành chính, hình sự và cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, đặc biệt bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tài chính, bảo đảm tính nghiêm minh, răn đe, cảnh báo từ xa và phòng ngừa các rủi ro, tranh chấp phát sinh từ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt... 

Tại kế hoạch, UBND tỉnh giao trách nhiệm của các sở, ngành liên quan trong việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Cụ thể, giao Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Nghệ An chịu trách nhiệm đôn đốc, phối hợp các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các trường đại học, cao đẳng tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, tổng hợp kết quả triển khai, khó khăn, vướng mắc, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh.

Hình thức bán hàng online đang thịnh hành, do đó, việc thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến. Ảnh: Thanh Phúc

Các sở, ngành, UBND huyện, thành phố, thị xã, các trường đại học, cao đẳng căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm triển khai kịp thời và hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch này; lồng ghép các nội dung về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt vào các kế hoạch, đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, sở, ngành. Các cơ quan, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, đơn vị, người dân thực hiện tốt việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Tác giả: Thanh Phúc
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi