Tin hot

Phân cấp, phân quyền cho cấp tỉnh cần gắn với kiểm soát quyền lực


Thống nhất cao với việc phân cấp, phân quyền cho cấp tỉnh thông qua sửa đổi, bổ sung một số điều thuộc 8 dự án luật, song Đoàn ĐBQH tỉnh nghệ An cũng đề nghị cần gắn với việc kiểm tra, giám sát, gắn trách nhiệm người đứng đầu để kiểm soát quyền lực.

Sáng 6/1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV tổ chức phiên thảo luận tổ về Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì thảo luận tại Tổ đại biểu Nghệ An. Tham dự có đại biểu khách mời là lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

 

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ tại Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Việc xây dựng, ban hành Luật này nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh phòng chống, dịch bệnh Covid -19; cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục trong đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Mục tiêu là tăng cường phân quyền cho các địa phương trong hoạt động đầu tư, đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư; tháo gỡ một số khó khăn trong triển khai lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thuộc dự án có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; hoạt động quản trị doanh nghiệp, hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; quá trình tổ chức thi hành án đối với trường hợp người phải thi hành án có tài sản ở nhiều nơi;…

Tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Đoàn Nghệ An và các khách mời dự họp cơ bản thống nhất với các nội dung dự án luật; đồng thời nêu một số ý kiến liên quan đến sửa đổi, bổ sung các nội dung của 8 bộ luật.
Ông Nguyễn Xuân Đức - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Thành Duy

Trong đó đề nghị xem xét, bổ sung điều khoản chuyển tiếp quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án, đang làm thủ tục trình phê duyệt chủ trương đầu tư; thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trước đây đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

Cùng với đó, đề nghị xem xét, bổ sung các nội dung sửa đổi quy định thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trong trường hợp bất khả kháng. Theo đó, nên cho phép HĐND các cấp được quyết định kéo dài thời gian thực hiện đối với nguồn vốn ngân sách do cấp mình quản lý thay vì chỉ giao cho HĐND cấp tỉnh thẩm quyền này. 

Đề xuất sửa đổi nội dung trong Luật Đầu tư công theo hướng giao UBND cấp tỉnh điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch hàng năm giữa các cơ quan, đơn vị theo kế hoạch trung hạn đã được HĐND thông qua để đảm bảo tính chủ động và kịp thời trong điều hành kế hoạch, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thị An Chung phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Thành Duy

Phát biểu thảo luận, liên quan đến quy định hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, ông Trần Nhật Minh - Đại biểu chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đánh giá một cách thận trọng, kỹ lưỡng tác động của chính sách này đối với thị trường bất động sản và nguồn thu ngân sách.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An Thái Thị An Chung thống nhất với chủ trương ủy quyền cho HĐND cấp tỉnh quyết định một số nội dung sau khi sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Luật Đầu tư. Tuy nhiên, theo nữ đại biểu, Chính phủ cần phải hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục để HĐND cấp tỉnh triển khai hiệu quả.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Thành Duy

Đối với việc sửa đổi Luật Điện lực, bà Thái Thị An Chung đánh giá mới chỉ sửa đổi quy định chung, trong khi các điều khoản trong luật lại chưa được sửa đổi dẫn đến “khập khiễng”, nhất là liên quan đến quyền đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị nếu đặt ra vấn đề nguyên tắc trong quyền đấu nối thì một số điều trong quy định của Luật Điện lực đều phải có sửa đổi tương thích để ràng buộc trách nhiệm, nhằm cân đối quyền và lợi ích giữa các bên, cũng như đảm bảo an toàn lưới điện quốc gia.

Phát biểu thảo luận về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đề nghị chỉ nên quy định, doanh nghiệp cần có báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính giữa năm do ban kiểm soát công ty thực hiện để vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp, vừa minh bạch với cổ đông, nhà đầu tư.
Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Thành Duy

Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành đánh giá, việc sửa 8 luật trong một dự án luật là quyết sách sáng tạo, linh hoạt của Quốc hội, Chính phủ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên đối với việc phân cấp, phân quyền, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm giữa các cấp thẩm quyền như của bộ, ngành Trung ương, UBND, HĐND cấp tỉnh…

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An kết luận phiên thảo luận tổ. Ảnh: Thành Duy

Kết luận phiên thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý bày tỏ thống nhất cao với việc ban hành dự án luật này để sửa đổi, bổ sung một số nội dung thuộc 8 bộ luật, thuộc những nội dung còn vướng mắc, chồng chéo, cũng như chưa tính toán được hết khi ban hành để phù hợp với thực tiễn. Điều này thể hiện sự linh hoạt, cảm thấu những vấn đề từ thực tiễn “dội lại” của Quốc hội, Chính phủ. 

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cũng ghi nhận và đồng tình cao với ý kiến thảo luận của các đại biểu là cần phân cấp mạnh hơn nữa cho chính quyền địa phương, đi liền với đó là tăng cường giám sát, kiểm tra, gắn trách nhiệm để kiểm soát quyền lực; đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ để thực hiện nhiệm vụ được giao quyền… Qua đó, tạo sự chủ động cho địa phương, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống đặt ra.

Tác giả: Thành Duy
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi