Tin hot

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa: Coi công nghiệp làm nền tảng chuyển dịch cơ cấu kinh tế


Trong Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa 2021-2030, tầm nhìn 2045, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung phát triển công nghiệp nặng, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng.

Cụ thể, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, phát triển Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của Vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo, làm nền tảng chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh, có giá trị và có năng suất cao, bao gồm:

Công nghiệp hóa dầu, hóa chất và chế biến sản phẩm từ hóa dầu: Tạo điều kiện thuận lợi nhất để Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn phát huy tối đa công suất và mở rộng, nâng công suất, đẩy nhanh tiến độ để dự án Tổ hợp hóa chất Đức Giang. Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial đi vào vận hành và tiếp tục đầu tư mở rộng, đẩy mạnh thu hút các dự án sau lọc hóa dầu.

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa: Tập trung phát triển công nghiệp, năng lượng
Thanh Hóa đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm lớn của Vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo

Về công nghiệp sản xuất, cung ứng điện: Duy trì ổn định hoạt động của các nhà máy thủy điện, nhiệt điện hiện có, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án điện mặt trời, thu hút và hình thành Trung tâm điện khí LNG tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Với công nghiệp cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại: Theo Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, sẽ khuyến khích thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, sản xuất thiết bị, phụ tùng máy công nghiệp, điện tử - viễn thông… duy trì hoạt động ổn định Nhà máy thép Nghi Sơn giai đoạn 1 và đẩy nhanh tiến độ triển khai giai đoạn 2.

Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: Tạo điều kiện cho Nhà máy xi măng Đại Dương đưa vào hoạt động dây chuyền 1, 2; triển khai dây chuyền 3, 4. Nhà máy xi măng Long Sơn hoàn thành dây chuyền 3 và 4.

Để phát triển công nghiệp, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa cũng đưa ra phương án phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế. Theo đó, tập trung đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại. Vận dụng các cơ chế chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Ưu tiên đầu tư các dự án công nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, trở thành một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước.

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa: Tập trung phát triển công nghiệp, năng lượng
Thanh Hóa sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn phát huy tối đa công suất và mở rộng

Phát biểu tại Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa diễn ra tại Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) - cho rằng: Về cơ bản, thống nhất với định hướng phát triển các ngành công nghiệp và ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, để cụ thể hóa mục tiêu trong Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị, “đến năm 2030, Thanh Hóa là một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo;… một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc” và đồng bộ với mục tiêu Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển các ngành công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Tuy nhiên, “đối với phát triển các ngành công nghiệp nền tảng và ngành công nghiệp hỗ trợ, đề nghị cần có những giải pháp đột phá cụ thể để thúc đẩy phát triển, có sự so sánh với các chính sách tương đồng của Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh” - ông Nguyễn Hoàng Giang nêu ý kiến.

Đối với quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp có liên quan khác ngoài cụm liên kết ngành công nghiệp theo Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường đồng thời bảo đảm tính tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia.

Cùng với đó, cần rà soát các kịch bản phát triển công nghiệp phù hợp với kịch bản chung của quy hoạch tỉnh; đồng thời thống nhất các giải pháp phát triển hạ tầng công nghiệp như giải pháp về cơ chế chính sách, thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển khu, cụm công nghiệp, giải pháp về huy động nguồn vốn đầu tư hạ tầng trong giải pháp chung thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030.

Đối với định hướng phát triển năng lượng sản xuất điện và định hướng hạ tầng cấp điện, chỉ nên định hướng phát triển các dự án điện nói chung, dự án nhiệt điện nói riêng phù hợp, thống nhất theo Quy hoạch điện VIII.

Liên quan đến vấn đề khai thác khoáng sản, ông Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, Thanh Hóa là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng về khoáng sản, do đó, cần có những đánh giá rõ hơn về thực trạng và vai trò của ngành công nghiệp khai khoáng đối với những ngành công nghiệp nói riêng, đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Đồng thời, cũng đánh giá thêm về những tồn tại, hạn chế, tác động của ngành khai khoáng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Giang, theo quy định tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khoáng sản, Quy hoạch tỉnh chỉ định hướng các mỏ, điểm mỏ khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương. Vì vậy, trong quy hoạch tỉnh, không quy hoạch hoặc định hướng các mỏ khoáng sản có quy mô tài nguyên, trữ lượng lớn, không thuộc đối tượng phân tán nhỏ lẻ để tránh chồng chéo về công tác quản lý với Quy hoạch thăm dò, khai thác. Chế biến và sử dụng khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tìm kiếm chúng tôi