Tin hot

Thành phố Hà Nội: Chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính


Để đạt hiệu quả trong cải cách hành chính, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước,tiếp tục triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư.

Để đạt hiệu quả trong công tác cải cách hành chính (CCHC), thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn; tiếp tục triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ gắn với số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC)… theo tinh thần tôn trọng, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cải thiện và nâng cao

Thời gian qua, công tác CCHC của TP. Hà Nội đã được cải thiện và nâng cao. Về cải cách TTHC, TP. Hà Nội đã ban hành và triển khai Kế hoạch về xây dựng quy trình TTHC liên thông. Đến nay, 100% TTHC được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Hệ thống thông tin một cửa điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến của thành phố đã thực hiện đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia. Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC được giám sát, kiểm soát chặt chẽ nên đã hạn chế tối đa việc nhũng nhiễu, chậm trễ trong việc giải quyết TTHC. Kết quả giải quyết hồ sơ đúng hạn, trước hạn trên toàn thành phố là 1.030.963 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,78%.

Thành phố Hà Nội: Chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính

Hà Nội đã rà soát, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân

Theo bà Vũ Thu Hà - Giám đốc Sở Nội vụ, xây dựng và triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính của Hà Nội. Cụ thể, thành phố đã ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng TP. Hà Nội giai đoạn 2022-2025 và Kế hoạch năm 2022 triển khai nhiệm vụ Chính quyền số trong Chương trình Chuyển đổi số TP. Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Thành phố Hà Nội cũng đã triển khai tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư theo yêu cầu, nhiệm vụ tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 16/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06). Đến nay, đã kết nối, duy trì, đảm bảo dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống" và thực hiện làm giàu thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; khai thác thành công dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến; phê duyệt 928 TTHC được lựa chọn tái cấu trúc, xây dựng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia trong năm 2022; chỉ đạo, triển khai và tích hợp hoàn thành đúng và trước thời hạn đối với 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 (đạt 84%).

Thông tin về giải pháp nâng cao chất lượng công tác CCHC của thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn nêu 17 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, nhấn mạnh giải pháp phát huy hiệu quả hoạt động Tổ công tác cải thiện, nâng cao Chỉ số PARINDEX, SIPAS giai đoạn 2021-2025; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm những trường hợp tiêu cực, nhũng nhiễu, vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa ứng xử.

Cụ thể, thành phố sẽ ban hành Đề án “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC hiện đại các cấp của thành phố” trên cơ sở tích hợp một số nội dung của Đề án 06; ban hành Quy chế về việc tiếp nhận, xử lý các góp ý, phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính, hành vi hành chính tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố; chủ động triển khai thí điểm và nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong giải quyết TTHC để cải thiện, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp...

Đột phá trong phân cấp, ủy quyền

Để góp phần CCHC hiệu quả, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đang tham mưu triển khai Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào công tác ủy quyền, nhất là đối với những nhiệm vụ, thủ tục hành chính do các sở, ngành đang thực hiện, trên tinh thần phân cấp, ủy quyền triệt để, phù hợp với việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi.

Thành phố Hà Nội: Chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính

100% thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông

Chỉ đạo trong quá trình xây dựng đề án, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND thành phố - nhấn mạnh, về nguyên tắc phân cấp, ủy quyền cần phải làm từng bước, có thể thí điểm đối với một số lĩnh vực, địa bàn phù hợp, vừa bảo đảm tính ổn định, vừa tính đến yếu tố đổi mới, rõ trách nhiệm gắn với công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ. Việc xây dựng quy định phân cấp, ủy quyền theo tinh thần phân cấp, ủy quyền triệt để theo quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn và cần phải được thực hiện quyết liệt theo phương châm "từ trên xuống" trên cơ sở đề xuất "từ dưới lên".

Nội cũng đang đẩy mạnh việc phân cấp đối với các cơ quan, đơn vị đủ điều kiện để thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương: Phân cấp, ủy quyền một số nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội; đất đai, xây dựng, công trình thủy lợi. Trong đó, tăng cường phân cấp cho các quận đối với lĩnh vực quản lý đường bộ, dịch vụ công ích đô thị để khai thác, phát huy được các tiềm năng, thế mạnh của các quận”- ông Trần Sỹ Thanh cho biết thêm và nhấn mạnh, việc này nhằm bảo đảm tính nhanh chóng, kịp thời trong khâu tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tạo thuận lợi để thành phố đổi mới theo hướng hiện đại hóa, đồng bộ hóa và tập trung quản lý khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị.

Đánh giá cao việc TP. Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Trọng Thừa - Thứ trưởng Bộ Nội vụ - đề nghị, thời gian tới, thành phố cần rà soát lại những vấn đề bất cập, tránh chồng chéo trong việc quản lý. Đồng thời, lưu ý trong vấn đề công vụ phải gắn với xây dựng Thủ đô văn minh, văn hiến, cố gắng tạo sự khác biệt ấn tượng trong công tác tiếp dân. “Đặc biệt, Hà Nội phải là thành phố thông minh, đi đầu trong chuyển đổi số, bởi có điều kiện về cơ sở, về đầu tư vốn và có tư duy mạnh me”- ông Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh.

Hà Nội đang đẩy mạnh việc phân cấp đối với các cơ quan, đơn vị đủ điều kiện để thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương: Phân cấp, ủy quyền một số nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội; đất đai, xây dựng, công trình thủy lợi.
 
Tác giả: Hạnh Nguyễn
Tìm kiếm chúng tôi