Lao động để quên đi bệnh tật
Bố mẹ bị bệnh rồi mất từ 20 năm trước nên chị Trịnh Thị Thủy (sinh năm 1978, hiện đang sinh sống tại Khâm Thiên, Hà Nội) đã phải tự lập từ rất sớm. Gia đình có 3 chị em, chị Thủy bị khuyết tật nặng nề nhất do ảnh hưởng của chất độc da cam từ bố, người đã từng chiến đấu ở chiến trường suốt 12 năm.
Chị Trịnh Thị Thủy tại chương trình "Trạm yêu thương" |
Tứ chi co quắp, cơ thể yếu ớt dễ run rẩy khi phải lao động nhiều giờ cùng với cơ hàm lệch khiến cho chị nói chuyện và sinh hoạt rất khó khăn. Đến năm 16 tuổi, chị Thuỷ vào Trung tâm Nhân đạo để học may, lúc đó cả bố mẹ chị đều mắc bệnh, hoàn cảnh càng khó khăn hơn.
Lo cho gia đình, chị Thủy xin phép bố mẹ được đi ra ngoài để kiếm thêm thu nhập cũng như va chạm với cuộc sống. Kể từ đó, chị Thủy ngày ngày chăm chỉ bán nước chè tươi, kiếm từng đồng lẻ để trang trải cuộc sống nơi góc nhỏ vỉa hè Khâm Thiên. Từ bán dưa, bán cà đến ngâm sấu, việc nào chị Thủy cũng học để làm. Chị chia sẻ: “Mình phải lao động để quên hết bệnh tật của mình đi, tuy vất vả là vậy nhưng tinh thần lại rất thoải mái”.
Chị Trịnh Thị Thủy tự nhận vui mình là “cô gái bán trứng” nơi ngõ chợ Khâm Thiên, bởi suốt 7 năm qua, bất kể mưa nắng chị vẫn luôn đẩy xe hàng của mình ra chợ. Dẫu nhiều hôm số trứng đem đi không vơi quá nửa, hay mỗi chục trứng chỉ lãi 3.000 đồng thế nhưng nụ cười trên môi chưa bao giờ tắt trên khuôn mặt rạng rỡ của chị.
Với thu nhập từ tiền bán trứng, mặc dù chị vẫn được nhận trợ cấp chất độc da cam nhưng không chỉ phải lo tiền sinh hoạt, chị cũng phải chi trả tiền thuốc thang, rồi lại lo tích cóp để giúp đỡ nhiều người khó khăn khác.
Tinh thần lạc quan và trái tim ấm áp
Những năm dịch bệnh, chị Thủy sẵn sàng giao trứng miễn phí cho những nhà có người mắc COVID-19. Chị nhiệt tình tham gia tiếp sức cho những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là cho các em nhỏ mắc bệnh ung thư.
“Bố mình cũng từng là bệnh nhân ung thư, vậy nên sau này mình rất mong muốn được giúp đỡ những người có hoàn cảnh tương tự”, chị chia sẻ. Chị Thủy cũng có một người em quen biết hiện đang nấu ăn cho chương trình "Trao yêu thương" ở Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Chị cho biết: “Mỗi người góp một ít, có chị ủng hộ bằng tiền, có chị ủng hộ một yến gạo, mình thì có điều kiện hơn nên ủng hộ 50 quả trứng”.
Đồng hành cùng chị Trịnh Thị Thủy trong "Trạm yêu thương" còn có sự góp mặt của cô Nguyễn Thị Miên - cán bộ Hội phụ nữ Khuyết tật quận Đống Đa, Hà Nội. Ấn tượng đầu tiên của cô Miên dành cho chị Thủy là sự nhiệt tình, quan tâm và luôn tràn đầy năng lượng.
Trong suốt hơn 10 năm đồng hành, chị Thủy dần tạo được thiện cảm và nhận được sự tín nhiệm của cán bộ quận để trở thành Chủ nhiệm CLB Thanh niên Khuyết tật quận Đống Đa. Theo lời kể của cô Miên, chị Thủy là một người phụ nữ không những chăm chỉ, trách nhiệm trong công việc, mà với gia đình cũng vô cùng đảm đang và biết quan tâm, chăm sóc mọi người.
Hiện tại chị Thủy vẫn còn nhiều khó khăn, sống chung với gia đình người anh, chị Thủy chăm sóc anh trai từng bị tai nạn và chăm sóc cháu trai mới 9 tháng tuổi. Thu nhập hàng ngày chẳng đáng là bao, song chị Thủy vẫn dành dụm những suất quà trao tặng những số phận kém may mắn hơn mình. Món quà của "Trạm yêu thương" sẽ giúp chị Thủy tiếp tục sứ mệnh ý nghĩa đó.
Với tinh thần lạc quan và trái tim ấm áp, chị Thủy đã cố gắng vượt lên nghịch cảnh của số phận, lan tỏa tình yêu thương và sự giúp đỡ dành cho những mảnh đời kém may mắn hơn. Hành trình nỗ lực, dành dụm từng công sức nhỏ bé mà đáng quý ấy sẽ được kể lại qua "Trạm yêu thương" với chủ đề “Chắt chiu để trao đi”, phát sóng 10h thứ bảy ngày 27/7 trên kênh VTV1.