Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người người mắc bệnh lao và 12.000 người tử vong do lao năm 2021 (báo cáo Global Tuberculosis Report 2022 - WHO).
Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa.
Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo.
Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, xấp xỉ 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.
Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc. Chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nghĩa là tránh đi cái chết không đáng có của gần 12.000 người một năm hiện nay và hàng trăm nghìn gia đình không phải lo lắng vì có người mắc lao.
Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Đinh Văn Lượng cho biết, Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao và lao kháng đa thuốc cao nhất trên thế giới.
Hai năm diễn ra dịch Covid-19, công tác phòng, chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch.
Số lượng và tỷ lệ tử vong do lao ở Việt Nam được ước tính là 12.000 người, tăng 35,8% với năm 2020. Nếu không được phát hiện và điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân lao rất cao, khoảng 50%.
Năm 2022 đã chứng minh cho sự phục hồi mạnh mẽ của Chương trình chống lao, với số phát hiện bệnh lao tăng gần 31% so với năm 2021 và tăng 1,8% so với năm 2020 là năm chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Mặc dù vậy, chúng ta cũng chỉ mới phát hiện được 60% số bệnh nhân lao ước tính trong cộng đồng.
Để có thể tiếp cận và ghi nhận được 40% số bệnh nhân chưa được phát hiện, cũng như đảm bảo tất cả các nhóm dễ bị tổn thương, nguy cơ cao và cộng đồng nói chung đều có thể tiếp cận được các dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh lao có chất lượng.
Số liệu phát hiện của Chương trình Chống lao Quốc gia (CTCLQG) năm 2022 với 103.120 ca bệnh đã có sự cải thiện đáng kể để phục hồi lại chất lượng và tác động tích cực của chương trình so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 30,6%), thậm chí cao hơn cả cùng kỳ năm 2020 (tăng 1,8%).
Tuy nhiên, do chỉ tiêu cam kết với QTC cho giai đoạn 2021 – 2023 ở mức cao nhằm hướng đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, số ca bệnh lao được thông báo năm 2022 của CTCLQG chỉ mới đạt được 74,2% chỉ tiêu kế hoạch cả năm (103.120 ca bệnh/chỉ tiêu 139.000 ca).
Tập trung nguồn lực, phát hiện, điều trị kịp thời bệnh lao
Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính trong 2 năm 2020-2021, số lượng và tỷ lệ tử vong do lao tăng trở lại so với giai đoạn trước đây.
Trước tình hình bệnh lao đối mặt với nhiều thách thức sau đại dịch Covid-19, CTCLQG dự kiến điều chỉnh thời gian chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, phù hợp với Chiến lược Chấm dứt bệnh lao toàn cầu.
Do đó, CTCLQG cần được đầu tư nhiều nguồn lực để bảo đảm tất cả bệnh nhân lao được khám, phát hiện và điều trị, ưu tiên tăng cường phát hiện bệnh lao trên toàn quốc.
Đặc biệt, là phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực tại cơ sở y tế, kết hợp phát hiện thường quy. Tiếp sau đó là đảm bảo chất lượng quản lý điều trị, mở rộng hệ thống xét nghiệm nhanh, chính xác để kịp thời phát hiện sớm bệnh nhân mắc lao và ngăn chặn nguồn lây.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, để thực hiện được những mục tiêu đề ra trong Chiến lược phòng, chống lao quốc gia, giai đoạn tới, Bộ Y tế, cụ thể là CTCLQG sẽ cần phải tăng cường vận động để nhận được sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ.
Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị hỗ trợ công tác phòng, chống lao, thể hiện qua việc cụ thể hóa và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy nói chung về khám chữa bệnh và văn bản riêng về công tác phòng, chống lao.
Chương trình huy động sự hưởng ứng của cả cộng đồng với công tác phòng, chống lao. Tăng cường tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế, chủ động tham gia tìm kiếm dịch vụ khám và điều trị bệnh lao.
Bên cạnh đó, CTCLQG cần có các chiến dịch, đẩy mạnh triển khai các tiếp cận mới như: phát hiện chủ động, phát hiện tích cực bệnh lao trong các nhóm nguy cơ, tại vùng sâu xa nhằm tăng cường sự tiếp cận của người dân với các dịch vụ phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh lao.
Các can thiệp nhằm mở rộng mạng lưới phòng, chống lao cũng sẽ được ưu tiên triển khai trong giai đoạn tới. Vận động đầu tư đa nguồn cho công tác phòng, chống lao.
Ngày Thế giới Phòng chống lao năm 2023 trên toàn cầu với chủ đề “YES! WE CAN END TB” (Đúng! Chúng ta có thể chấm dứt bệnh lao”, mang đến niềm tin mạnh mẽ chấm dứt bệnh lao là hoàn toàn có thể, cũng như định hướng triển khai các giải pháp tổng thể để đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao.
Trên cơ sở đó, chủ đề Ngày thế giới phòng, chống lao của Việt Nam năm nay được xác định là “Việt Nam chiến thắng bệnh lao”, thể hiện quyết tâm cao của cả mọi tầng lớp Nhân dân vì một Việt Nam không còn bệnh lao.