Điều này đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo đảm vệ sinh môi trường (VSMT) của Thủ đô.
Nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị
Từ nhiều năm nay, nhằm bảo đảm VSMT tại Thủ đô, hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, biến rác thải thành tài nguyên… TP Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác thu gom, xử lý các loại chất thải nói chung và rác thải rắn xây dựng nói riêng. Song bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý, xử lý rác thải, đặc biệt là chất thải rắn xây dựng vẫn là bài toán chưa có lời giải và trở thành một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại Thủ đô.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số tuyến đường, khu vực như: Ngô Quyền (Hà Đông), ngõ 120 đường Trường Chinh, khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp… tình trạng rác phế thải xây dựng tập kết sai quy định diễn ra khá phổ biến. Tại đây, rác thải đủ loại, từ rác thải sinh hoạt, rác thải cồng kềnh đến rác thải công trình xây dựng... tất cả đều được tập kết ngay dưới lòng đường từ ngày này sang ngày khác gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, đại diện một số đơn vị chịu trách nhiệm duy trì VSMT trên địa bàn TP cho biết, do các loại rác thải rắn xây dựng, rác thải cồng kềnh… không nằm trong đấu thầu duy trì VSMT nên chỉ khi nào chính quyền địa phương có ý kiến, đơn vị mới tiến hành thu gom. Thậm chí có thu gom, đơn vị cũng chẳng biết đến lúc nào mới được thanh toán khối lượng rác thải phát sinh ngoài danh mục đã nhận thầu.
Chưa dừng lại ở đó, theo ghi nhận của phóng viên, do thiếu các điểm tập kết, xử lý rác thải cồng kềnh, rác thải rắn… nên tại một số khu vực, điển hình là khu vực gầm cầu Thanh Trì (quận Hoàng Mai) một số đối tượng dù không có chức năng, thẩm quyền xử lý rác thải cũng tự ý đứng ra lập bãi, tổ chức thu gom rác thải rắn nhằm mục đích san lấp trái phép bãi sông Hồng. Chưa dừng lại ở đó, trong quá trình thu gom rác thải, các đối tượng còn thản nhiên tổ chức đốt rác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Cần sớm tháo gỡ những khó khăn
Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 26 bãi xử lý chất thải rắn xây dựng, nhưng đến thời điểm này, toàn TP chỉ có 3 điểm đang hoạt động gồm bãi chôn lấp Nguyên Khê (ở xã Nguyên Khê và Xuân Nộn, huyện Đông Anh) và hai điểm trung chuyển tạm thời, tái chế bằng công nghệ nghiền tại quận Hoàng Mai do Công ty CP Xử lý chất thải xây dựng và Đầu tư phát triển môi trường Hà Nội và Công ty CP Dịch vụ sản xuất Toàn Cầu thí điểm thực hiện.
Lý giải về việc số bãi, số đơn vị tham gia thực hiện thu gom, xử lý chất thải rắn xây dựng còn hạn chế, thậm chí là quá ít so với quy hoạch, đại diện Công ty CP Xử lý chất thải xây dựng và Đầu tư phát triển môi trường Hà Nội - một trong những đơn vị được TP Hà Nội cho phép tổ chức thí điểm biện pháp xử lý chất thải rắn xây dựng bằng phương pháp nghiền cho biết, thực trạng trên xuất phát từ cơ chế trong tổ chức thu gom, xử lý loại chất thải này.
Cụ thể, Phó Giám đốc Công ty CP Xử lý chất thải xây dựng và Đầu tư phát triển môi trường Hà Nội Phạm Minh Công cho biết, mặc dù được giao thực hiện thí điểm xử lý chất thải rắn xây dựng nhưng do thủ tục thuê đất không có, khu vực thuê đất nằm trong hành lang thoát lũ nên việc tập kết, xử lý rác thải bị ảnh hưởng nhiều, đặc biệt là mùa mưa bão. Bên cạnh đó, do chưa xác định được mã vật liệu, đơn giá xử lý của rác thải rắn xây dựng… nên các nhà đầu tư không mặn mà với loại hình này.
“Do chưa có đơn giá xử lý chất thải rắn xây dựng nên đơn vị đang áp mức phí là hơn 20.000 đồng/m3 – tương đương với phương pháp chôn lấp, trong khi đó, đơn giá chính thức của phương pháp nghiền phải hơn 100.000 đồng/m3. Sự chênh lệch giữa giá tạm tính và giá thực tế khiến DN càng làm càng lỗ” – ông Phạm Minh Công chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho hay, Hà Nội đang chuẩn bị triển khai xây dựng đường Vành đai 4, một trong những dự án sẽ phát sinh rất nhiều chất thải rắn xây dựng. Do đó, để bảo đảm VSMT, cụ thể hóa mục tiêu biến rác thải thành tài nguyên, ngăn chặn tình trạng đổ trộm… các cơ quan chức năng cần sớm ban hành đơn giá xử lý đối với loại chất thải này. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm soát chặt ngay từ nguồn thải, kiểm tra, giám sát, xử lý trường hợp vi phạm, ngăn chặn tình trạng đổ trộm bừa bãi chất thải rắn xây dựng.
Điều 46 Nghị định số 23/2009/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với cá nhân, hộ gia đình đổ rác không đúng nơi quy định; Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân làm rơi vãi chất thải trong quá trình thu gom, vận chuyển. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân vận chuyển và đổ rác không đúng quy định… Cùng với đó, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm buộc phải khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.