Tin hot

Các thị trường lớn hồi phục, xuất khẩu thu về hơn 312 tỷ USD


Nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… có mức tăng đáng kể đã giúp kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng cao trong 10 tháng.

Các thị trường chủ lực đều tăng trưởng cao

Theo Bộ Công Thương, tính trong tháng 10/2022, xuất khẩu thu về khoảng 30,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ qua đó nâng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng ước đạt 312,8 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đi vào chi tiết các ngành hàng cho thấy, trong 10 tháng năm 2022, các nhóm hàng chủ lực vẫn giữ vai trò dẫn dắt tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước, trong đó nhóm hàng công nghiệp chế biến đóng góp khoảng 269,5 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.

Trong nhóm này, hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số, như: phân bón các loại tăng 153%; hóa chất, tăng 40,8%; sản phẩm hóa chất tăng 31,2%; Túi sách, vali, mũ, ô dù tăng 39,4%; Hàng dệt và may mặc tăng 22%; Giầy, dép các loại tăng 41%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 14%; Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 35%...

Ngoài ra, xuất khẩu nhóm hàng nông sản, lâm thủy sản ước đạt 25,8 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước trở thành điểm sáng trong xuất khẩu chung của cả nước. Trong đó, xuất khẩu thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính đạt 9,4 tỷ USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm trước do các thị trường xuất khẩu hiện đều có nhu cầu cao đối với thủy sản Việt Nam.

Nhóm hàng chủ lực tăng tốc, xuất khẩu cả nước thu về hơn 312 tỷ USD | Kinh  doanh | Vietnam+ (VietnamPlus)
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trưởng cao

Đơn cử, với mặt hàng thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết tính đến hết tháng 10/2022, xuất khẩu thủy sản cả nước đã mang về 9,5 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, 10 tháng năm 2022, xuất khẩu tôm đạt gần 3,8 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu tôm cả năm 2022 đạt trên 4,4 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2021.

Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và xúc tiến thương mại VASEP nhận định năm 2022 là một năm có nhiều biến động và khó khăn đối với ngành xuất nhập khẩu. Với sự nỗ lực không ngừng, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã biến thách thức thành cơ hội, tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do cũng như nhu cầu của thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu.

Đến cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản dự kiến sẽ chiếm khoảng 3% tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam; đóng góp gần 12% giá trị trong tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước. Trong khi tỷ trọng của nhóm hàng nông lâm thủy sản nói chung đang bị giảm 0,6% điểm thì ngành hàng thủy sản tăng 0,4% điểm, cho thấy sự bứt phá và vai trò ngày càng quan trọng của ngành thủy sản trong chỉ số tăng trưởng GDP của cả nước, đặc biệt trong ngành hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu.

Trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Na Uy (2 cường quốc có diện tích đất và mặt nước lớn hơn nhiều so với Việt Nam).

Đáng chú ý, các thị trường xuất khẩu chủ lực đều giữ mức tăng trưởng cao, trong đó thị trường Trung Quốc ước đạt 46,9 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 39,4 tỷ USD, tăng 22,3%; xuất khẩu sang ASEAN ước đạt 28,9 tỷ USD, tăng 24%; xuất khẩu sang Hàn Quốc ước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 15,4%; xuất khẩu sang Nhật Bản ước đạt 19,8 tỷ USD, tăng 22%.

Còn tại thị trường Hoa Kỳ, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho biết trong bối cảnh tình hình kinh tế nói chung vẫn còn nhiều khó khăn từ các tác động của đại dịch COVID-19 và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn duy trì được động lực tăng trưởng tích cực.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, với kim ngạch ước đạt 93,4 tỷ USD, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất sau 10 tháng năm nay.

Đẩy mạnh giải pháp hoàn thành kế hoạch năm

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu sau 10 tháng cũng đạt con số khoảng 303,42 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, theo thống kê, nhóm hàng cần nhập khẩu đạt 269 tỷ USD, chiếm 88,7% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 12,2% so với cùng kỳ và cũng là nhóm chính phục vụ sản xuất và xuất khẩu.

Với kết quả trên, trong tháng 10/2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,27 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD.

Để tiếp tục đạt được các mục tiêu xuất khẩu cao, bên cạnh các giải pháp về thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp về xuất nhập khẩu, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đề nghị các tham tán thương mại cần chủ động các biện pháp ứng phó với sự biến động của thị trường thông qua việc thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin thị trường, điều chỉnh kế hoạch xuất nhập khẩu nhằm tận dụng các cơ hội thị trường mới và tránh được các rủi ro, đặc biệt là các ảnh hưởng tác động từ sự điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước.

“Thời gian tới để duy trì tăng trưởng của nền kinh tế, nhất là xuất nhập khẩu và vượt lên những biến động trên thị trường thế giới thì hoạt động xúc tiến thương mại cần tăng cường, nhất là với các thị trường mới, thị trường ngách với những mặt hàng mới, phù hợp với năng lực sản xuất của Việt Nam,” ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Trong khi đó, Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành nhằm tăng năng lực sản xuất.

Đồng thời, tổ chức kết nối cho các doanh nghiệp trong tìm kiếm nguyên vật liệu phù hợp, tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu.

Phương Lan

 

Nguồn:kinhtevn.com.vn Copy link
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm chúng tôi