Tin hot

Thanh Hoá: Triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá


Xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa những tháng đầu năm gặp khó khăn, Sở Công Thương Thanh Hóa triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Những tháng đầu năm 2023, tình hình xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa gặp khó khăn do thị trường nhập khẩu giảm nhu cầu tiêu thụ, nhất là thị trường Trung Quốc do bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bất ổn địa chính trị, lạm phát, cắt giảm chi tiêu. Trước tình hình trên, Sở Công Thương Thanh Hóa đang triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới.

Khó khăn do khách quan

Theo số liệu từ Sở Công Thương Thanh Hóa, tổng giá trị xuất khẩu 3 tháng năm 2023 của tỉnh này ước đạt 939,444 triệu USD, bằng 79,4% so với cùng kỳ và bằng 17,1% so với kế hoạch năm. Trong đó, xuất khẩu chính ngạch ước đạt 928,804 triệu USD, tăng 79,4% so với cùng kỳ và bằng 17,1% so với kế hoạch năm, xuất khẩu tiểu ngạch và các doanh nghiệp ngoài tỉnh ước đạt 10,64 triệu USD, bằng 82,4% so với cùng kỳ và bằng 17,2% kế hoạch năm.

Thanh Hoá: Triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá
Các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa ổn định sau một thời gian nghỉ Tết

Khảo sát của Sở Công Thương Thanh Hóa cũng cho thấy, đến thời điểm hiện nay đa số các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu đã hoạt động sản xuất trở lại sau thời gian nghỉ Tết. Một số doanh nghiệp sản xuất giày dép, hàng may mặc sử dụng nhiều lao động đang tích cực tuyển dụng lao động để ổn định sản xuất do có sự biến động số lượng công nhân sau Tết.

Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 189 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hàng hoá sang 53 quốc gia và vùng lãnh thổ với 55 chủng loại hàng hoá. Một số mặt hàng xuất khẩu điển hình: Hải sản các loại xuất khẩu 3.794 tấn (bằng 85,3% so với cùng kỳ); giày dép xuất khẩu đạt 47.224 nghìn đôi (bằng 89,3% so với cùng kỳ); hàng may mặc xuất khẩu đạt 78.215 nghìn sản phẩm (bằng 81% so với cùng kỳ); xi măng 196.812 tấn (bằng 66% so với cùng kỳ); thịt súc sản 158 tấn (bằng 79,8% so với cùng kỳ); đá ốp lát 968 nghìn m2 (bằng 93,5% so với cùng kỳ); ba lô du lịch xuất khẩu 770 nghìn cái (bằng 99,2% so với cùng kỳ); bóng đá xuất khẩu 244 nghìn quả (bằng 97,8% so với cùng kỳ); lưu huỳnh dạng hạt xuất khẩu đạt 60.559 tấn (tăng 47,2% so với cùng kỳ); benzen xuất khẩu đạt 25.430 tấn (bằng 71,4% so với cùng kỳ); P-xylen xuất khẩu đạt 51.884 tấn (bằng 47,8% so với cùng kỳ).

Triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa

Báo cáo của Sở Công Thương Thanh Hóa cho thấy, riêng trong tháng 3/2023, tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 324,297 triệu USD, tăng 11,7% so với tháng trước và bằng 75,2% so với tháng cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu chính ngạch 320,618 triệu USD, tăng 11,8% so với tháng trước và bằng 75,1% so với tháng cùng kỳ; xuất khẩu tiểu ngạch và các doanh nghiệp có trụ sở ngoài tỉnh 3,679 triệu USD, tăng 5,3% so với tháng trước và bằng 78,3% so với tháng cùng kỳ.

Hoạt động các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu tháng 3/2023 tương đối ổn định sau một thời gian nghỉ Tết. Đến nay, đa số các doanh nghiệp đã triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng triển vọng về các đơn hàng xuất khẩu chủ lực như: hàng may mặc, giày dép vẫn chưa mấy khả quan.

Thanh Hoá: Triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá
Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu sẽ đạt khoảng 47,7 triệu tấn hàng hóa thông qua Cảng Nghi Sơn

Một số mặt hàng xuất khẩu điển hình trong tháng như: Chả cá Surimi xuất khẩu đạt 307 tấn, tăng 5,9% so với tháng trước và tăng 54,3% so với tháng cùng kỳ; hải sản các loại xuất khẩu 1.290 tấn, tăng 1,7% so với tháng trước và bằng 74,6% so với cùng kỳ; giày dép xuất khẩu đạt 16.163 nghìn đôi, tăng 14,4% so với tháng trước và bằng 82,8% so với cùng kỳ; hàng may mặc xuất khẩu đạt 26.958 nghìn sản phẩm, tăng 9,6% so với tháng trước và bằng 76,5% so với tháng cùng kỳ; xi măng 48.096 tấn, tăng 1,6% so với tháng trước và bằng 48,9% so với cùng kỳ; thịt súc sản 53 tấn, tăng 2,1% so với tháng trước và bằng 77% so với tháng cùng kỳ.

Ngoài ra, đá ốp lát xuất khẩu 327 nghìn m2, tăng 5,6% so với tháng trước và bằng 95,2% so với tháng cùng kỳ; ba lô du lịch xuất khẩu 280 nghìn cái, tăng 15,9% so với tháng trước và bằng 90,8% so với tháng cùng kỳ; bóng đá xuất khẩu 79 nghìn quả, tăng 1,8% so với tháng trước và bằng 75,6% so với cùng kỳ; lưu huỳnh dạng hạt xuất khẩu đạt 17.971 tấn, tăng 7,2% so với tháng trước và tăng 2,09 lần so với tháng cùng kỳ; Benzen xuất khẩu đạt 6.823 tấn, tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 11,9% so với tháng cùng kỳ; P-xylen xuất khẩu đạt 11.465 tấn, tăng 14,7% so với tháng trước và bằng 28,8%% so với tháng cùng kỳ…

Đánh giá của Sở Công Thương Thanh Hóa cho thấy, dự kiến ít nhất hết quý II/2023, tình hình xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường nêu trên mới có hy vọng phục hồi trở lại.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Bá Oai, Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết: Những tháng đầu năm, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do yếu tố khách quan. Để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, Sở đang triển khai và sẽ giới thiệu các thị trường tiêu thụ mới mà Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA), để các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Ngoài ra, Sở cũng sẽ tổ chức hội nghị tập huấn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, hưởng kích cầu từ chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 248/2022/HĐND của Hội đồng nhân tỉnh, thu hút doanh nghiệp xuất, nhập khẩu qua cảng Nghi Sơn.

Hy vọng với sự nỗ lực của ngành Công Thương tỉnh Thanh Hóa, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng mạnh như năm 2022 và sẽ “ghi điểm” trong năm 2023.

 
Tìm kiếm chúng tôi