Tại kỳ bình chọn lần thứ 8, năm 2022, sản phẩm Bình FET Minh Hưng và lưới, dây, màng Lực Sỹ đạt thương hiệu quốc gia. Chia sẻ với phóng viên về nguyên do doanh nghiệp kiên trì tham gia xét chọn thương hiệu quốc gia từ năm 2016 đến nay, ông Huỳnh Hữu Thiện- Giám đốc Marketing Công ty TNHH Công nghiệp Minh Hưng cho hay: Được công nhận thương hiệu quốc gia mang nhiều lợi ích đến cho doanh nghiệp. Đầu tiên, bản thân doanh nghiệp dám bứt phá đầu tư đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng tiêu chí của chương trình cũng đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Mặt khác, với biểu trưng và logo thương hiệu quốc gia in trên bao bì sản phẩm đã tạo và khẳng định được uy tín với đối tác, mở thêm cơ hội hợp tác sản xuất kinh doanh. “Vào những năm trước, doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng thị trường ra phía Bắc. Năm nay với sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, Minh Hưng chắc chắn sẽ đầu tư để thâm nhập thị trường này”, ông Huỳnh Hữu Thiện khẳng định.
Được biết, hiện 80% sản lượng của Minh Hưng dành cho xuất khẩu, 20% tiêu thụ nội địa. Thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp khá đa dạng, gồm châu Âu, châu Phi và khu vực Đông Nam Á. Đáng nói, sản phẩm xuất khẩu sử dụng thương hiệu của chính doanh nghiệp.
Cũng là một trong những doanh nghiệp đã nhiều lần tham gia và nhiều lần có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, bà Cao Thị Khánh Chi- Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Vitto, chia sẻ: Được chứng nhận thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp có nhiều lợi thế trên thị trường trong nước và quốc tế.
Sản phẩm gạch lát nền của Công ty CP Tập đoàn Vitto nhiều năm đạt thương hiệu quốc gia |
Đây cũng là động lực cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư công nghệ, sử dụng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, hướng tới xây dựng doanh nghiệp có văn hoá bền vững đưa con người làm trọng tâm và chia sẻ với các bên liên quan.
“Chúng tôi cũng mong muốn, Chính phủ và cơ quan liên quan hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến thương mại ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý giúp doan nghiệp Việt Nam có lợi thế hơn nữa trong cạnh tranh và có cơ hội mở rộng sáng kiến. Chúng tôi cũng mong muốn được tham gia vào kế hoạch chuyển đổi số, sản xuất xanh và kinh tế tuần hoàn của Chính phủ”, bà Cao Thị Khánh Chi bày tỏ.
Minh Hưng và Vitto là hai trong số 172 doanh nghiệp với 325 sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm 2022, tăng 48 sản phẩm so với kỳ xét chọn trước. Bên cạnh những doanh nghiệp truyền thống và có thâm niên nhiều năm tham gia, kỳ xét chọn năm nay có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp với các sản phẩm mới. Đặc biệt, chương trình xét chọn sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm 2022 cũng ghi nhận sự gia tăng về số lượng của các sản phẩm dịch vụ- vốn là sản phẩm khó đánh giá và khó đạt các tiêu chí.
Thương hiệu sản phẩm ngày một được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Thương hiệu giúp gia tăng giá trị sản phẩm, đồng thời gia tăng giá trị của doanh nghiệp. Theo số liệu thống kế, 172 doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia năm 2022 có kết quả kinh doanh ấn tượng với tổng doanh thu năm 2021 khoảng 1.570 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 129 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập cho gần 600 nghìn lao động, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Điều này cũng đã và đang góp phần xây dựng và nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam.
Theo tổ chức Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 11%, từ 388 tỉ USD năm 2021 lên 431 tỷ USD năm 2022. Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia toàn cầu và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới (tăng 74% giai đoạn 2019-2022).
Với những kết quả đã đạt được, để tiếp tục xây dựng, lan toả thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay: Bộ Công Thương tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong xây dựng, phát triển thương hiệu.
Cụ thể, doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp tục được phép sử dụng biểu trưng Thương hiệu quốc gia Việt Nam và hệ thống nhận diện Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; được tham gia xây dựng chiến lược, chương trình hành động cụ thể của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Được hỗ trợ kinh phí khi tham gia các hoạt động thuộc Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam; Ưu tiên tham gia các hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại và các chương trình xây dựng, phát triển thương hiệu ngành hàng Việt Nam có liên quan; tiếp cận cơ sở dữ liệu thông tin thị trường, sản phẩm và ngành hàng của Chương trình.
Doanh nghiệp cũng sẽ được các cơ quan nhà nước hỗ trợ pháp lý trong tranh chấp về các biện pháp quản lý ngoại thương của nước ngoài, tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa.
Hải Linh